Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thuở ban sơ của báo chí Tây Ninh
Thứ bảy: 00:14 ngày 05/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ban Biên tập Báo Tây Ninh xác định ghi theo lời các nhân chứng lịch sử là ông Huỳnh Văn Thanh xuất thân là người quản lý báo Dân quyền, vì dù sao báo Dân quyền thời kháng Pháp của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh cũng là thực thể của cơ quan báo chí chính thống tỉnh nhà đã được những người trong cuộc xác nhận.

Trang bìa Báo Tây Ninh số ra ngày 29.4.1977 chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (vòng 2), diễn ra từ ngày 19 - 29.4.1977 thành công tốt đẹp. Ảnh: tư liệu Nguyễn Tấn Hùng

Hơn 73 năm trước, giai đoạn tiền khởi nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, trong đời sống văn hoá xã hội tỉnh Tây Ninh gần như không có hoạt động báo chí, mặc dù Tây Ninh rất gần thành phố Sài Gòn, “cái nôi” của báo chí Việt Nam. Thế nhưng chỉ hơn một năm sau cuộc cách mạng mùa Thu long trời lở đất, Tây Ninh đã chính thức xuất bản một ấn phẩm báo chí cách mạng, có thể nói là “chuyên nghiệp”, để làm phương tiện truyền thông, vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến, hưởng ứng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Tờ báo mang tên là “Báo Dân Quyền”, tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay.

Ý nghĩa của tên báo chắc cũng không quá khó hiểu, vì ai chẳng biết là sau gần một thế kỷ bị ngoại bang đô hộ, cũng như sau hàng ngàn năm sống trong chế độ phong kiến khắc nghiệt, dân ta mới có quyền làm chủ đời mình, có quyền làm chủ đất nước quê hương mình, nên dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ, giữ vững “Dân quyền”.

Thế nhưng, ai là người đã chọn cái tên đầy ý nghĩa đó để đặt cho tờ báo? Câu hỏi này đã có lời đáp trong cuộc hội thảo do Báo Tây Ninh tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, và những cuộc hội thảo sau đó hơn mười năm, để có được tập Sơ thảo truyền thống lịch sử Báo Tây Ninh xuất bản năm 2011 và được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh, cơ quan chủ quản của tờ báo quyết định chọn ngày 5 tháng mười là ngày truyền thống của Báo.

Theo các nhân chứng lịch sử có mặt trong cuộc hội thảo gần 20 năm trước, cũng là những nhà cách mạng tiền bối của tỉnh, từng lãnh đạo và trực tiếp thực hiện việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh, như các ông Ngô Văn Lực (thường gọi là Bảy Hải), Phan Minh Chọn (Phan Văn), Trần Vạn An (Bảy Vân An), Nguyễn Tấn (Năm Choàng), Kiều Minh Tiến (Xuân Sắc)… kể cả các nhân chứng không có mặt tại cuộc hội thảo, nhưng có tiếp xúc để cung cấp thông tin cho tổ soạn thảo tập Sơ thảo truyền thống như ông Lê Đình Nhơn, ông Nguyễn Văn Thệ (Năm Thệ) đều xác định rằng tên Báo Dân Quyền là do ông Mười Thanh, tức đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Ban cán sự Đảng (tiền thân của Tỉnh uỷ Tây Ninh), người đứng đầu Việt Minh tỉnh, chủ trì cuộc mít tinh, chuyển sang biểu tình giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám tại tỉnh nhà đặt ra.

Và cũng chính ông Huỳnh Văn Thanh, Tổng thư ký Uỷ ban Hành chính kháng chiến Tây Ninh đã bày cho ông Năm Thệ cách in báo bằng đất sét, còn gọi là in Litho, khi các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh “ra bưng” lập căn cứ ở Cây Chò (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành ngày nay).

Đoàn nhà báo Campuchia thăm Báo Tây Ninh năm 2006. Ảnh: Đ.H.T

Cũng theo các nhân chứng lịch sử, sở dĩ ông Huỳnh Văn Thanh đặt tên Dân Quyền cho tờ báo kháng chiến của tỉnh là vì trước khi lánh nạn lên núi Bà Đen Tây Ninh do thực dân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, ông là người quản lý báo Dân quyền, một tờ báo công khai ở Sài Gòn những năm 1936-1938, thời Mặt trận Bình dân cầm quyền chính phủ Pháp.

Tuy nhiên, trong các tài liệu lịch sử của Đảng bộ tỉnh, cũng như trong sách Địa chí Tây Ninh xuất bản năm 2006 thì ghi ông Huỳnh Văn Thanh làm báo Dân tiến. Và khi tổ biên soạn lịch sử Báo Tây Ninh tìm kiếm, tham khảo các tài liệu về lịch sử báo chí Việt Nam thì ở Sài Gòn lúc bấy giờ có cả báo Dân quyền và báo Dân tiến, đều là báo chí tiến bộ, yêu nước do các nhà báo cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn (thư ký toà soạn báo Dân quyền), Lưu Quý Kỳ (thư ký toà soạn báo Dân tiến) điều hành hoạt động công khai.

Cuối cùng, Ban Biên tập Báo Tây Ninh xác định ghi theo lời các nhân chứng lịch sử là ông Huỳnh Văn Thanh xuất thân là người quản lý báo Dân quyền, vì dù sao báo Dân quyền thời kháng Pháp của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh cũng là thực thể của cơ quan báo chí chính thống tỉnh nhà đã được những người trong cuộc xác nhận.

Rất may, nhà báo Nguyễn Đức Tâm, cố Tổng Biên tập Báo Tây Ninh đã nghĩ và làm kịp lúc khi các nhân chứng còn sống gần như đầy đủ, nếu không, đến ngày nay khi các cụ đều đã qua đời thì thật là khó mà xác định sự hiện diện của tờ báo tỉnh nhà trong một thời ngất trời hào khí 73 năm trước.

Đặc biệt, theo nhà báo Xuân Sắc, khi các bậc tiền bối mới xuất bản được một số kỳ báo, từ tháng 10.1946 đến cuối tháng 5.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ đã gửi cho “Anh em văn hoá và trí thức Nam bộ” một bức thư súc tích đầy tính động viên, cổ vũ những người đang làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Bức thư có nội dung như sau:

“Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của các bạn. Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hoá cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do. Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

Nhân dân ta sẵn lòng thân thiện với nhân dân Pháp, nhưng quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân phản động. Anh em văn hoá với trí thức là lớp tiên tri tiên giác, càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ.

Tôi xin gửi anh em lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 25 tháng 5 năm 1947

HỒ CHÍ MINH”

Máy in Báo Tây Ninh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Đ.H.T

Về chuyện nghiệp vụ làm báo thuở ban đầu, cũng theo cố nhà báo Xuân Sắc, những người làm báo lúc bấy giờ, đều là thanh niên nông thôn 17, 18 tuổi, mới xếp... cày bừa đi kháng chiến, không ai được học hành hay có nghiệp vụ gì cả, ngoại trừ các bậc đàn anh như luật sư Dương Minh Châu, hay ông Mười Thanh có thời gian hoạt động văn hoá xã hội ở Nam Vang (thành phố Phnom Penh, kinh đô vương quốc Campuchia), hay làm báo ở Sài Gòn, nhưng các ông cũng chỉ làm báo Dân quyền một thời gian rất ngắn rồi chuyển sang làm công tác chính quyền trong Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh.

Về sau mới có các ông Năm Choàng, Hoàng Hiệp đi học nghề in typo (in chữ chì) ở Liên hiệp nghiệp đoàn Nam bộ đặt tại An Phú Đông, Gia Định mang về cho một tài liệu nghiệp vụ báo chí cực ngắn, nhưng hết sức quý giá làm kim chỉ nam cho suốt cuộc đời làm cách mạng. Đó là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học viên lớp học báo chí đầu tiên của nước ta sau Cách mạng tháng 8 là lớp học trong rừng Việt Bắc được Bác Hồ cho mở tại Trường Huỳnh Thúc Kháng năm 1949. Trong thư Bác đã khuyên các nhà báo:

“Muốn viết báo khá, thì cần:

1.Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2.Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta.

3.Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu.

4.Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.

Bài học nghiệp vụ vẻn vẹn có mấy điều đơn giản như thế, nhưng những người làm báo chúng ta, từ lớp người đầu tiên đến thế hệ hiện tại, dù không được học hành nhiều, hay đã kinh qua trường lớp, có nhiều bằng đại học, sau đại học đều nhận thức được rằng nó chứa đựng ý nghĩa, nội dung giáo dục nghề nghiệp, cũng là giáo dục đạo đức làm báo. Có đọc hàng ngàn trang giáo trình cũng chưa chắc đã phát huy hết tác dụng trong hiện thực cuộc sống, cũng như quá trình tác nghiệp cả đời.

Báo Dân quyền của Đảng bộ, chính quyền kháng chiến tỉnh Tây Ninh chỉ xuất bản liên tục được khoảng 5 năm, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1951, khi Trung ương Cục miền Nam quyết định sáp nhập tỉnh Gia Định và tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh thì Báo tự đình bản vì cơ quan báo thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh phải chuyển đi nhập tỉnh mới. Lúc bấy giờ chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại để làm bản tin của huyện Châu Thành.

Sau Hiệp định Genève 1954, lực lượng cách mạng ở miền Nam tập kết ra Bắc, những người làm báo Dân quyền trước kia ở lại quê hương phải đào hầm chôn giấu thiết bị in báo của nhà in Dương Minh Châu (sau là nhà in Hoàng Lê Kha) xuống lòng đất quê hương. Cho đến khi nhân dân miền Nam anh hùng vùng lên chống đế quốc Mỹ, thay chân thực dân Pháp xâm lược miền Nam, các nhà báo Dân quyền thời “chín năm kháng Pháp” ngày trước chỉ còn lại hai người là ông Phan Văn và ông Năm Choàng lại đào máy in, đào chữ chì lên để lập lại nhà in, tái bản tờ báo tại “toà soạn dưới hầm bí mật” ở Lợi Hoà Đông, An Tịnh, Trảng Bàng, “sát nách” thủ đô Sài Gòn của chính quyền Mỹ - Diệm ác ôn.

Thế nhưng, máy in typo đóng bằng gỗ và khối lượng chữ chì chôn lâu dưới đất đã mục nát hết cả, ông Phan Văn và ông Năm Choàng phải cải trang đột nhập vào sào huyệt của địch, đi đường công khai xuống tới Sài Gòn, Chợ Lớn đường hoàng vào các hãng thiết bị in để mua hàng tấn chữ chì, chuyển về bằng xe tải của cơ sở cách mạng là thân sinh của chị Út Thuỷ (Nguyễn Thị Thu Thuỷ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) đem về chiến khu lập nhà in mới mang tên Hoàng Lê Kha- người anh hùng hy sinh trên máy chém thời trung cổ của Ngô Đình Diệm. Máy in cũng được đóng mới (bằng gỗ) theo “thiết kế trong trí nhớ của ông Xuân Phát (Đào Văn Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin Tây Ninh) mới từ Sài Gòn về Tây Ninh tham gia làm báo.

Tờ báo của Đảng bộ tỉnh được tái bản từ sau Đồng Khởi 1960, mang tên Báo Giải Phóng, số đầu tiên thời chống Mỹ là số Báo Xuân Tân Sửu 1961 phát hành nhân dịp chào mừng Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tờ báo dày dặn (16 trang) khổ lớn (nay gọi là khổ A3), in typo đàng hoàng, bìa báo còn in “ốp sét vẽ tay” 4 màu rực rỡ nữa.

Vì vậy, khi anh học trò trung học Nguyễn Đức Tâm từ “Tha La xóm đạo” ra chiến khu theo kháng chiến tại Ban Tuyên huấn tỉnh ở rừng Bời Lời, thì “cái anh thấy đầu tiên là… tờ báo” (xin phép nhại thơ Trần Quang Long “Cái con thấy đầu tiên là ánh lửa/Đêm ấy trăng sao trốn tránh con người”). Thế là anh nằng nặc xin đi làm báo, làm Thư ký toà soạn cho Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Phan Văn và Giám đốc nhà in Năm Choàng trong “biên chế cơ quan báo chí ba người”.

Ông Lê Minh Trọng- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trao Huân chương Lao động hạng Ba cho lãnh đạo Báo Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T

Thuở ban sơ của tờ báo thân yêu của chúng ta là vậy đó. Cả hai thời kỳ kháng chiến cộng lại chỉ khoảng 20 năm, trong suốt chặng đường lịch sử 73 năm của tờ báo. Thế hệ làm báo Tây Ninh chúng ta hôm nay, làm sao có thể phụ lòng các bậc tiền nhân. Dứt khoát chúng ta phải là những nhà báo giỏi, bản lĩnh, tinh thông nghề nghiệp của thời đại công nghiệp 4.0, mới xứng đáng nối theo truyền thống vẻ vang của những người đi trước.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục