Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khách hàng là Thượng đế, câu ví von đã thành quen thuộc nhưng chưa bao giờ hết tính chính xác trong nền kinh tế ngày càng cạnh tranh và hội nhập sâu rộng. Tuy vậy, khách hàng- vị “Thượng đế” trần gian trong nền kinh tế chúng ta giờ đây vẫn còn không ít nỗi khổ... trần ai!

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Một điều rõ ràng rằng trong mối quan hệ doanh nghiệp- khách hàng thì doanh nghiệp có tồn tại được chính là nhờ khách hàng, khách hàng yêu sản phẩm và doanh nghiệp đến đâu phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Khách hàng là một hằng số.
Bởi vậy, với những doanh nghiệp tồn tại dựa vào niềm tin yêu của khách hàng, họ luôn tìm mọi giải pháp và sản phẩm tối ưu để phục vụ. Cũng từ đó mà các hoạt động như hội nghị khách hàng, lễ tri ân khách hàng, chăm sóc khách hàng... ngày nay trở thành hoạt động thường xuyên, sôi động- điều mà trước đây ít thấy.
Bên cạnh đó, các công ty nghiên cứu, tư vấn về khách hàng phục vụ cho doanh nghiệp cũng không ngừng phát triển ở mọi lĩnh vực. Những thông tin về khách hàng thậm chí còn được công bố hàng ngày, hàng tuần để doanh nghiệp và thị trường nắm bắt, phục vụ kịp thời.
Vai trò quan trọng là vậy, nhưng nhiều quyền của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn chưa được thực hiện, bảo vệ và tôn trọng. Câu chuyện về việc mua phải hàng giả, hàng nhái có thể thấy hàng ngày xung quanh ta nhưng ít người tiêu dùng phản hồi đòi quyền lợi.
Thậm chí với những món hàng giá trị lớn, người tiêu dùng mua xong phát hiện chất lượng không đúng cam kết nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi đi đòi quyền thì quá gian nan, mất nhiều thời gian mà thà không đòi còn... đỡ mệt hơn. Sự “tặc lưỡi” của người tiêu dùng khiến không chỉ doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ làm ăn chộp giựt mà có cả doanh nghiệp lớn lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.
Đây cũng chính là lý do từ phía pháp luật và thực thi pháp luật. Hiện chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng những điều luật còn khá chung chung, việc triển khai trong thực tế còn khiến người dân gặp khó khăn. Ở các quy định khác cũng vậy, người tiêu dùng luôn là đối tượng bị “hành” bởi hàng loạt các thủ tục này khác. Đặc biệt, ở cách diễn giải luật, đã có những trường hợp người tiêu dùng đi đòi quyền lợi của mình thì bỗng dưng trở thành người... tống tiền, vu khống doanh nghiệp.
Từ phía doanh nghiệp, tính nhỏ lẻ, làm ăn chộp giựt ở nền kinh tế nước ta hiện còn nhiều. Cũng có những doanh nghiệp ít tên tuổi lại “sống khỏe” trên mối quan hệ với quan chức. Những doanh nghiệp này coi khách hàng là đối tượng để khai thác thuần túy, thậm chí là để lừa đảo.
Khi thói quen kinh doanh còn chưa thật sự coi trọng khách hàng, pháp luật còn những kẽ hở và thiếu cụ thể thì việc chủ động của người tiêu dùng trong việc bảo vệ mình là điều quan trọng hàng đầu. Ngay tại Hà Nội, chúng ta đã từng thấy những quán “bún mắng, cháo chửi”, nhưng người ăn vẫn đến ăn đông đúc thì đó chính là việc tự mình không coi trọng quyền lợi của mình. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức pháp luật về quyền lợi của mình, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua hàng hóa, dịch vụ. Tin tưởng một cách mù quáng vào doanh nghiệp, mua theo cảm tính thiếu kiểm tra chất lượng, dễ dãi về hóa đơn chứng từ... sẽ là những cái bẫy mà người tiêu dùng tự đưa chân mình vào.
Khách hàng là Thượng đế, nhưng đó mới là khẩu hiệu ở nhiều nơi mà thôi nên “Thượng đế” tiêu dùng cần tự mình cứu mình trước trước khi được công lý đến hỏi thăm.
Nguồn Báo Hải Quản