Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hầu hết bệnh nhân đều bị vết thương ở mặt lưng của ngón giữa bàn tay phải. Sau khi bị thương, do tâm lý chủ quan, cho rằng vết thương nhỏ không đáng kể nên người bệnh không điều trị đúng cách…

Trong vài năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân là công nhân cạo mủ cao su có cùng dạng thương tích như nhau. Nguyên do là trong lúc bắt đầu cạo mủ trên cây cao su, người công nhân dùng tay gỡ đoạn dây mủ khô của lần cạo trước, dây mủ bị kéo căng khiến cái muỗng hứng mủ bằng tole dính vào một đầu bị tróc khỏi thân cây, bật ngược ra trúng vào ngón tay của người công nhân gây vết thương, chảy máu. Hầu hết bệnh nhân đều bị vết thương ở mặt lưng của ngón giữa bàn tay phải. Sau khi bị thương, do tâm lý chủ quan, cho rằng vết thương nhỏ không đáng kể nên người bệnh không điều trị đúng cách. Thường vết thương chỉ được sơ cứu bằng lá cây nhai nát, thuốc lá… đắp qua loa. Hôm sau vết thương sưng tấy, dần dần co rút ngón tay. Đa số bệnh nhân 2-3 tháng sau vẫn còn sưng đau chỗ vết thương, đáng ngại là nó vẫn chảy mủ dai dẳng không lành. Thường là lúc này họ mới chịu đến bệnh viện. Dù được điều trị hết nhiễm trùng, ngón tay bệnh nhân vẫn bị co quắp, gây tật vĩnh viễn.
![]() |
Ngón tay sau 2 tháng bị tai nạn vẫn còn sưng đau |
Sở dĩ có bệnh lý trên là do cái muỗng hứng mủ có thể đã làm rách bao gân, bao khớp ngón tay. Môi trường quanh thân cây cao su thường có nhiều vi khuẩn, nấm mốc, cộng thêm việc người bệnh đắp vào vết thương những dị vật chứa đầy mầm bệnh. Vết thương tuy nhỏ nhưng nếu không được săn sóc, băng bó đúng cách và dùng thuốc khánh sinh thích hợp thì sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng mãn tính của các khớp, gân và bao gân ngón tay. Hậu quả là ngón tay sẽ bị sưng tấy lan rộng làm co rút gân, hư mặt khớp gây biến dạng ngón tay về sau. Ở những bệnh nhân sức khoẻ yếu, lao động nặng nhọc, sức đề kháng suy giảm, tình trạng nhiễm trùng càng dễ xảy ra và có thể bị bệnh uốn ván nếu không được tiêm ngừa.
Để phòng ngừa tình trạng nói trên, người công nhân cạo mủ cần lưu ý:
Khi bị vết thương như trên phải đến cơ sở y tế để được sát trùng, khâu vết thương và băng vô trùng đúng cách. Phải uống thuốc kháng sinh do thầy thuốc kê đơn và tiêm ngừa uốn ván.
Hãy nhớ là tuy vết thương bề ngoài thấy nhỏ nhưng có khi đã gây rách bao gân, bao khớp. Nếu không khâu bao gân bao khớp, nhiễm trùng chắc chắn sẽ xảy ra, lúc đó dù có trị lành vết thương cũng sẽ để lại dị tật.
Tuyệt đối không được đắp bất cứ thứ gì vào vết thương. Việc đắp lá cây hoặc thuốc lá là một trong các nguyên nhân làm nhiễm trùng vết thương. Nếu không có sẵn băng y tế, cấp cứu tốt nhất là băng tạm vết thương bằng khăn tay hay một miếng vải sạch rồi tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
Tốt nhất là khi gở dây mủ cao su cần thao tác sao cho không làm bật cái muỗng hứng mủ vào tay.
Hãy ý thức, đây là một dạng thương tích nhỏ nhưng nếu chủ quan xem nhẹ thì về sau khi nhiễm trùng nặng phải điều trị dài ngày, tốn kém và có thể để lại di chứng vĩnh viễn.
Bs. Lê HỒng PhưỚc
(Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh)