Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thương tiếc một nhạc sĩ bình dị, tài hoa
Thứ năm: 11:25 ngày 20/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng là tác giả của nhiều ca khúc quen thuộc: Giã từ, Người hàng xóm, Tình cây và đất, Giăng câu, Sao anh nỡ đành quên, Tiễn biệt, Xót xa, Hồng Ngự mang tên em, Về miền Tây, Duyên dáng sông Tiền, Ngày xuân đi hái lộc… Giai điệu và ca từ của Tô Thanh Tùng bình dị, ngọt ngào, da diết như vùng đất và con người Đồng Tháp Mười quê hương anh.

Sau hơn 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, vào lúc 8 giờ 45 ngày 19-7-2017, anh qua đời tại Sa Đéc, Đồng Tháp, hưởng thọ 74 tuổi. Anh ra đi trong niềm mong ước có được một liveshow duy nhất về những đứa con tinh thần của mình…

Thương tiếc một nhạc sĩ bình dị, tài hoa ảnh 1

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.

I. Tám năm trước, trong một dịp đi Bình Dương cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, chúng tôi có ghé thăm nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tại nhà riêng gần chợ Bến Thế, TP Thủ Dầu Một, cùng ngồi lai rai, trò chuyện bên cái ao nhỏ và nghe anh đàn hát suốt buổi chiều. Khi ra về, lên xe, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nói: nhân vật này hay, viết được đấy. 

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có một cuộc đời phiêu bạt. Là con trưởng trong một gia đình khá giả ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), sau khi đậu Tú tài, anh được gia đình cho lên Sài Gòn học Đại học Luật, rồi về lại Hồng Ngự phụ gia đình kinh doanh. Với vốn liếng âm nhạc tự học và năng khiếu trời cho, từ năm 19 tuổi, Tô Thanh Tùng đã sáng tác nhạc và bài hát đầu tiên Hồng Ngự mang tên em của anh được ra đời năm 1963. Sáng tác thêm dăm bài ưng ý, anh quay lên Sài Gòn tìm đến các hãng băng đĩa, mạnh dạn đề nghị hợp tác thu âm, phát hành. Từ đó, cái tên Tô Thanh Tùng xuất hiện trong làng âm nhạc Sài Gòn. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tô Thanh Tùng làm Trưởng ban Văn công thị trấn Hồng Ngự; 3 năm sau anh quay lại TPHCM lập nghiệp với đủ thứ nghề: bán xà bông, dầu gió, nước mắm, phụ tùng xe đạp, mở nhà may. Sau nhiều năm lận đận, cuộc sống gia đình anh đã khá sung túc với 2 cửa hàng cho thuê băng video ở TPHCM. Thế nhưng, vào lúc kinh tế gia đình khá nhất thì vợ chồng lại trục trặc và đành phải chia tay. Anh giao lại cửa hàng video để vợ nuôi con, bán căn nhà ở đường Cao Thắng (quận 3, TPHCM) để trang trải chuyện gia đình, rồi sống rày đây mai đó, lúc ở nhà bạn bè, lúc ở nhà thuê, từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ, đi đến đâu là kết bạn, là sáng tác, từ nhạc trữ tình cho đến cả các ca khúc “đặt hàng” cho các đơn vị, công ty, xí nghiệp… Năm 2005, anh bán miếng đất ở Hồng Ngự và mua căn nhà vườn nhỏ ở Bình Dương -  nơi theo anh là rất “hạp”, vì không ồn ào, bụi bặm. Đã có tuổi, anh cần tĩnh lặng. Chi phí sinh hoạt của anh chủ yếu dựa vào tiền tác quyền các ca khúc. Anh ở đây được 10 năm, tiếp tục sự nghiệp sáng tác, cho ra đời gần 100 ca khúc mới. 

Những tưởng đã có nơi an cư để ngày ngày hát khúc tình ca giữa gió mây, thì giữa năm 2015, cơn bạo bệnh đã ập đến anh. Vốn người to khỏe như một tá điền, thế nhưng chỉ sau vài tháng, anh gầy sọp hẳn, nói không ra hơi. Anh nhập viện, 2 năm chống chọi với căn bạo bệnh, nhưng không thể cãi số mệnh. Gần 1 tháng qua, con gái đưa anh về Sa Đéc và anh đã ra đi mãi mãi.

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sống vô tư, yêu đời, luôn vui tươi, gần gũi, thân ái với tất cả mọi người. Cuộc đời phiêu bạt, lận đận, hạnh phúc gia đình nhiều mất mát, thế nhưng không bao giờ thấy anh than thở, buồn rầu. Sâu thẳm mù khơi trong anh vẫn luôn long lanh nụ cười vô tư. 

II. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có một gia tài đồ sộ, đó là hàng trăm ca khúc đã quen thuộc với công chúng trải dài qua hơn 50 năm; cùng với đó là biết bao bạn bè, “chiến hữu”, công chúng luôn mến thương anh. Các ca khúc của anh đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện: Elvis Phương, Hương Lan, Thu Hiền, Nhật Trường, Bảo Yến, Đình Văn, Thanh Thúy, Quang Linh, Thái Châu, Thanh Ngân, Vân Khánh, Đàm Vĩnh Hưng…; được nhiều hãng băng đĩa trong và ngoài nước tuyển chọn làm album, phát hành rộng rãi. 

Còn nhớ, năm 1979, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng được Sở VH-TT Đồng Tháp cấp phép phát hành album cassette Tình ca hương lúa, trong đó có một số bài điệu bolero, như Người hàng xóm, Hồng Ngự mang tên em với giọng ca của Nhật Trường và Bảo Yến. Khi ấy, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng đây là một hiện tượng “Nhạc vàng sống lại”. Nhưng album bán rất chạy, và lúc ấy tên tuổi Tô Thanh Tùng cùng với những bài hát đã bay khắp các cánh đồng lúa ở ĐBSCL.

Trong số bài hát về quê hương, đất nước của Tô Thanh Tùng, công chúng cả nước rất quen thuộc với bài Tình cây và đất, mà theo chúng tôi là NSND Thu Hiền thể hiện hay nhất. Với bài hát này, năm 2009, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng được nhận giải nhì cuộc bình chọn những bài hát viết về nông nghiệp nông thôn hay nhất thế kỷ 20, do Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bình chọn (giải nhất là bài Hát về cây lúa hôm nay của nhạc sĩ Hoàng Vân). 

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng còn là những bài nhạc phổ thơ rất tài tình. Với thi sĩ Nguyễn Bính, chắc có lẽ cũng rất nhiều nhạc sĩ phổ thơ ông, thế nhưng bài thơ Người hàng xóm được Tô Thanh Tùng phổ nhạc nghe thật hay, được  quen thuộc với hầu hết công chúng. Anh Tùng cho biết, có người đọc thơ cho tôi, tôi im re, nhưng cũng có có người đọc xong, tôi gật đầu, nói: “Bài này phổ được, chép cho tôi đi. Thế là không cần đợi lâu, sáng hôm sau là tôi có bài”. Trong những bài thơ anh phổ, có thể kể: Chùa hương thiếu em (thơ Dương Trọng Dật), Bây giờ đang cuối mùa Đông (thơ Nguyễn Quang Thiều), Một Mình (thơ Nguyễn Duy), Mưa Sài Gòn (thơ Võ Quê), Ngày mai còn lại một mình tôi (thơ Lê Minh Quốc), Giao thừa có mẹ ( lời Khắc Văn)… 

Dù biết rằng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng ra đi là điều không tránh khỏi, nhưng khi nhận được tin báo, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Bao kỷ niệm với anh lại ùa về; hình dáng, nụ cười, ánh mắt của anh cứ ẩn hiện. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa mà rất đổi bình dị!

Có ý kiến cho rằng bài hát Giã từ là của Băn Vi - một nhạc công ở Tây Ninh sáng tác, chứ không phải của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Trên giường bệnh, anh kể: “Khoảng năm 1967, khi đang ở Hồng Ngự, có một người thanh niên trẻ tên Vi tìm gặp tôi và hát cho tôi nghe một bài hát. Nghe xong, tôi cho biết là cũng vừa viết một bài hát, điệu bolero, có đôi chút ý tứ giống bài này và tôi có hát lại cho anh Vi nghe. Một thời gian sau đó, tôi có viết lại bài Giã từ với giai điệu và ca từ hầu hết là của tôi. Tuy nhiên, khi phổ biến bài hát này, tôi vẫn ghi tên chung là Tô Thanh Tùng - Văn Vi”. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cũng giải thích, sở dĩ ghi Văn Vi mà không ghi là Băn Vi là do khi gặp anh Vi, nghe giới thiệu tên không rõ, từ Băn Vi nghe nhầm thành Văn Vi. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể tiếp, năm 1971, anh có quen một cô gái tên Thu Vân ở Sa Đéc và tập cho Thu Vân ca bài Giã từ, rồi đưa lên Sài Gòn thu băng cassette. Bài hát được phát thanh trên chương trình văn nghệ đài phát thanh, trở nên nổi tiếng.

Nguồn SGGP

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục