BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thường trực HĐND tỉnh và Ban kinh tế ngân sách: Giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở huyện Dương Minh Châu

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 12:13

Chất lượng nguồn nước mặt ở khu vực cầu Xa Cách (thị trấn DMC) gần đây đã giảm sút

Ngày 10.6, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và Ban Kinh tế Ngân sách đã đến làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường ở huyện này.

Báo cáo của UBND huyện Dương Minh Châu cho biết: Toàn huyện hiện có 15 cơ sở chế biến khoai mì, 3 cơ sở chế biến mủ cao su, hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường. Năm 2007, có 8 cơ sở sản xuất nằm trong danh sách phải xử lý khắc phục ô nhiễm theo Quyết định số 759/QĐ-UBND năm 2007 của UBND tỉnh. Sang năm 2008, có 1 cơ sở tiếp tục nằm trong danh sách phải khắc phục ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1762/QĐ – UBND năm 2008 của UBND tỉnh. Hiện các cơ sở này dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt yêu cầu. Phương pháp xử lý nước thải chủ yếu vẫn là xử lý sinh học nhưng chưa có nhà máy nào thực hiện chống thấm toàn bộ các hồ xử lý nước thải này. Bốn nhà máy có công suất lớn là Miwon, Phúc Phụng, Hồng Phát, Thành Lễ đang thi công sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Huyện Dương Minh Châu đang khuyến khích các nhà máy này sử dụng phương pháp xử lý nước thải “kín” thu hồi khí ga.

Trung tâm y tế huyện và hầu hết trạm y tế ở các xã đều được trang bị lò đốt chất thải thủ công. Tuy nhiên, nhiều lò đốt hiện đã hỏng, không sử dụng được nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. Rác thải được thu gom, phân loại tại nguồn và tiêu huỷ bằng phương pháp đốt tự nhiên.

Trung bình, mỗi ngày huyện Dương Minh Châu thu gom được 3 tấn rác thải sinh hoạt mang về bãi rác Tân Hưng, Tân Châu để xử lý. Đây là một nỗ lực đáng khích lệ của huyện bởi trước đây, rác thải ở khu vực chợ huyện và khu vực thị trấn được mang về đổ ở… sau chợ, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan và mất vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, tại các chợ ở xã, rác thải sinh hoạt được tập trung đổ ngay tại các bãi tạm phía sau chợ, không áp dụng biện pháp chống thấm, không phủ bên trên nên về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh ruồi, muỗi gây hại.

Theo nhận định của UBND huyện Dương Minh Châu, những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ở huyện có nhiều chuyển biến tốt nhưng vẫn còn hạn chế, tồn tại. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đi sâu, lan rộng đến quần chúng nhân dân; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp trong việc giám sát ô nhiễm môi trường, chỉ đến khi nhân dân phản ánh thì chính quyền địa phương mới biết; chưa chủ động, linh hoạt trong thanh tra, kiểm tra các trường hợp vi phạm; thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường còn thiếu nên việc giám định các nguồn chất thải phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều hạn chế; cán bộ phụ trách môi trường ở huyện, xã còn thiếu và ít kinh nghiệm…