Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều đề án quan trọng khác gắn với ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp phát triển, các loại cây có giá trị kinh tế cao đang dần thay thế các loại cây trồng có giá trị thấp. Tuy nhiên, năng lực của các công trình thuỷ lợi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó, gần đây, tỉnh đã quy hoạch xây dựng thuỷ lợi để bảo đảm yêu cầu cấp nước cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và cho ngành nông nghiệp nói riêng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình, hình thái sông ngòi, tình hình sử dụng đất; sự phân bố nguồn nước theo các lưu vực sông suối; căn cứ vào hiện trạng các công trình thuỷ lợi đã xây dựng và định hướng phát triển, tỉnh Tây Ninh phân chia thành 3 tiểu vùng:
Vùng I - Khu tưới Dầu Tiếng: Nằm giữa sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, bao gồm toàn bộ diện tích của Gò Dầu, Hoà Thành, TP. Tây Ninh và một phần diện tích của Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Vùng 1 bao gồm khu tưới hiện nay của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng và khu tưới Tân Biên - được tiếp nước từ công trình Phước Hoà.
Vùng II - Khu hữu sông Vàm Cỏ Đông: Nằm bên bờ hữu sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh, bao gồm diện tích của toàn huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng (3 xã), huyện Châu Thành (6 xã). Sử dụng nước từ 8 trạm bơm điện và hệ thống kênh rạch tưới triều ven sông.
Vùng III - Bắc Tây Ninh: Nằm ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, bao gồm một phần diện tích của huyện Tân Biên và Tân Châu. Vùng III được giới hạn bởi tỉnh lộ 795 nối Tân Biên - Tân Châu và hồ Dầu Tiếng ở phía Nam, quốc lộ 22B ở phía Tây, biên giới Campuchia ở phía Bắc và ranh giới với tỉnh Bình Phước ở phía Đông. Trong vùng có công trình thuỷ lợi hồ Tha La, hồ Nước Trong và đập Suối Đục nhưng khả năng cấp tưới là rất nhỏ.
Tây Ninh có diện tích tự nhiên 4.041,25km2, trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn trái... Sự phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua luôn gắn liền với phát triển của ngành Thuỷ lợi.
Kết quả tính toán cân bằng nước hiện trạng 2016 của tỉnh Tây Ninh cho thấy, tổng lượng nước thiếu theo lý thuyết là 1 tỷ 393 triệu mét khối, lượng nước thiếu thực tế là 1 tỷ 847 triệu mét khối (chiếm 66% tổng nhu cầu). Đến năm 2020, lượng nước thiếu lý thuyết là 1 tỷ 578 triệu mét khối, lượng nước thiếu thực tế là 2 tỷ 075 triệu mét khối (chiếm 68% tổng nhu cầu). Dự báo đến năm 2030, lượng nước thiếu lý thuyết là 1 tỷ 783 triệu mét khối, lượng nước thiếu thực tế là 2 tỷ 395 triệu mét khối (chiếm 71% tổng nhu cầu).
Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông là công trình thuỷ lợi cấp II, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn hai huyện trên, đồng thời, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1m3/s.
Công trình đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông nhìn từ trên cao
Dự án “đổi đời”
Ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022) dự kiến ban đầu khoảng 1.147 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư tăng cao nên có thể tăng lên 1.217 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án (dự kiến từ năm 2023 đến 2026) sẽ cần khoảng 600 tỷ đồng để bê tông hoá một số hạng mục xung yếu và hệ thống kênh tiêu.
Các hạng mục công trình chính của dự án gồm: kênh chuyển nước dài 16,67km. Trong đó, công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,36km, kết cấu bằng ống thép có đường kính 2,4m đặt trên các trụ đỡ bằng bê tông cốt thép. Tại vị trí vượt sông có khẩu độ thông thuyền lớn hơn 30m, chiều cao tĩnh không 6m, kết cấu cầu máng là ống thép đặt trong kết cấu giàn thép. Hai bên cầu máng bố trí đường giao thông cho xe thô sơ đi lại phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân trong vùng và công tác quản lý vận hành.
Công trình kênh chuyển nước gồm các hạng mục như: cầu máng, cống qua đường, cầu qua kênh, cống điều tiết, cống tiêu luồn, tràn bên, cống lấy nước.
Kênh tưới chính dài 29,41km, được thiết kế tưới cho vùng tưới mới nên không kết nối vào các trạm bơm hiện hữu. Do đó, vùng tưới hiện hữu của các trạm bơm được đầu tư trước đây vẫn được giữ nguyên.
Công trình trên kênh chính gồm: cầu máng, cống qua đường, cầu qua kênh, cống điều tiết, cống tiêu luồn, tràn bên, cống lấy nước, tràn cuối kênh… Riêng hệ thống kênh cấp 1 có tổng chiều dài 71,7km.
Đây là dự án cấp nước tưới cho vùng tưới mới (phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp) có diện tích khoảng 17.000 ha. Khi dự án được thi công hoàn thành sẽ chuyển đổi vùng hiện hữu (các xã cánh Tây sông Vàm Cỏ Đông) từ thiếu nước sang sử dụng nước chủ động; rửa phèn; góp phần tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của vùng dự án sang hướng trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng dự án và các vùng xung quanh phát triển.
“Hiện nay, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông phía nước bạn Campuchia đã làm nhiều đập chặn nước. Nước trên sông Vàm Cỏ Đông vào mùa khô rất cạn kiệt. Trong tình hình đó, dự án đưa nước tưới tự chảy qua sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nơi thực hiện dự án” - ông Cường cho biết thêm.
Với nguồn nước mặt bảo đảm cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi của các khu vực dân cư trong vùng hưởng lợi của dự án sẽ được nâng cao đáng kể. Đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao, góp phần ổn định và giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Theo Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có quy mô lớn trải dài qua 2 huyện và nhiều xã, trong đó hạng mục chính qua vùng đất trũng thấp, có nền địa chất yếu, tính phức tạp cao nên công tác triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được triển khai thi công, song song với công tác giải phóng mặt bằng nên quá trình thi công gặp khá nhiều trở ngại. Để bảo đảm tiến độ dự án theo yêu cầu của Ban Quản lý, nhà thầu phải thi công trước những hạng mục có mặt bằng (các vị trí cống qua đường, cống tiêu và một số vị trí đã được các tổ chức, cá nhân bàn giao mặt bằng trước). Do đó, việc triển khai thi công theo tuyến bị gián đoạn. Việc di chuyển thiết bị, máy móc, lán trại, nhân sự gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Dù được triển khai thực hiện từ quý II năm 2018 nhưng đến cuối năm 2020, dự án chỉ thực hiện được 10/14 gói thầu bàn giao mặt bằng; 2/14 gói thầu đang được triển khai chi trả tiền bồi thường, còn lại 2 gói thầu đang được điều tra khảo sát giá bồi thường.
Thi công công trình đưa nước vượt sông
Trước đây, do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án chỉ được bê tông hoá kênh đến xã Hảo Đước (phần hạng mục công trình trước khi đến vị trí công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông). Phần còn lại (gồm 4km kênh chuyển nước, tuyến kênh chính và toàn bộ các tuyến kênh cấp 1) được làm bằng kênh đất. Để phát huy tốt hiệu quả dự án, tránh bị xói lở, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng trong quá trình vận hành, Ban Quản lý dự án đã đề xuất và được chủ đầu tư chấp thuận trình cấp thẩm quyền thực hiện bê tông hoá dự án giai đoạn 2.
Dù vậy, đến cuối năm 2020, về tổng thể, tiến độ thi công các gói thầu đã bàn giao mặt bằng cơ bản bảo đảm tiến độ, toàn bộ dự án đạt khoảng 75% khối lượng. Mặt bằng các tuyến kênh cấp 1 mới bàn giao được 20%. Ban Quản lý cho biết đang cố gắng phối hợp với các huyện để đến tháng 3.2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng kênh cấp 1.
Do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, nên đến cuối năm 2021 sẽ thi công hoàn thành 2 hạng mục chính là kênh chuyển nước và kênh chính. Riêng hạng mục kênh cấp 1 sẽ được thi công hoàn thành vào năm 2022.
Công trình “cõng” nước qua sông
“Do đây là dự án với quy mô kênh, cầu máng, công trình vượt sông có kích thước lớn và dài, tính phức tạp cao nên công tác triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng đã được Ban Quản lý dự án kiểm soát chặt chẽ. Khi có thay đổi về địa hình, địa chất, Ban Quản lý dự án đã kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra để xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, có thời điểm nguồn vật liệu cát khan hiếm, chất lượng không ổn định làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng, tiến độ dự án. Tuy nhiên, vấn đề này được các cán bộ giám sát của Ban Quản lý kiểm soát chặt chẽ và kịp thời xử lý đúng quy định”- ông Cường chia sẻ.
Dự kiến, khi tuyến kênh chuyển nước được thi công hoàn thành, cơ quan có thẩm quyền sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác vận hành. Cụ thể, các gói thầu số 7, 8, 9 dự kiến bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác vận hành trong quý I năm 2021.
Hiện nay, các tuyến kênh nhánh vừa được thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vừa triển khai thi công. Dự kiến đến cuối năm 2021, Ban Quản lý dự án sẽ triển khai thi công phần kênh chính và 3 gói thầu kênh nhánh, còn lại 2 gói thầu kênh nhánh đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Đ.C