Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH TRỊNH NGỌC PHƯƠNG:
Tiềm lực mạnh, vì sao doanh nghiệp Nhà nước lại hoạt động yếu kém? (*)
Thứ tư: 14:58 ngày 30/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 28.5, tham gia thảo luận tại hội trường kỳ họp Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016, ÐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) có bài phát biểu nhằm làm rõ và bổ sung một số nội dung đáng chú ý, Báo Tây Ninh lược ghi như sau:

Ngày 28.5, tham gia thảo luận tại hội trường kỳ họp Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016, ÐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) có bài phát biểu nhằm làm rõ và bổ sung một số nội dung đáng chú ý, Báo Tây Ninh lược ghi như sau:

 

Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, có thể nói, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có tiềm lực mạnh về mọi mặt so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên, theo thống kê trong báo cáo giám sát của Quốc hội, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của khối DNNN đều giảm theo từng năm, từ năm 2012 đến năm 2016.

Ðiều đáng quan tâm là DNNN có những lợi thế rất lớn nhưng “hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%)”, và chỉ số quay vòng vốn của của DNNN rất thấp, thấp nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp (khu vục DNNN, khu vực DN ngoài NN và khu vực FDI).

Báo cáo đã cho thấy “một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao”, thậm chí còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước như tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí...

Một điều rất đáng lưu tâm là hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm- PV) của khối DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cao hơn nhiều so với hai khu vực doanh nghiệp còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1,86 lần so với doanh nghiệp FDI).

Ðiều đó chứng tỏ rằng, nội lực tiềm tàng của DNNN rất lớn nhưng chưa được phát huy khai thác hết và hiệu quả đầu tư chưa cao. Ðáng quan ngại là tình trạng khai thác vượt công suất của các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản không phải là ít.

Hoạt động khai thác vượt giấy phép, hoặc chưa được cấp phép hoặc hết phép nhưng vẫn khai thác là hành động xâm hại nghiêm trọng đến tài sản quốc gia.

Ðại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân như: việc tuân thủ pháp luật chưa được nghiêm minh, bản thân các chủ thể phải thực hiện (DNNN) đã không tuân thủ, thậm chí lách luật để tạo lợi ích, chẳng hạn như DNNN góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau đó lại bán lại phần vốn góp đó cho chủ thể khác.

Công tác kiểm soát từ bên ngoài đôi lúc chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. DNNN là chủ thể nắm giữ vốn, tài sản của Nhà nước để hoạt động nên được quan tâm thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Mặc dù đã được kiểm soát như vậy nhưng chỉ khi có chủ trương chỉ đạo thì mới tìm ra các sai phạm nghiêm trọng.

Ðại biểu Phương cũng cho rằng, cơ chế kiểm soát nội bộ của DNNN hiện nay chưa hiệu quả, thậm chí còn mang tính hình thức, kiểm soát viên chưa thật sự có năng lực, chưa thật sự độc lập hoặc có nhưng lệ thuộc người có thẩm quyền của doanh nghiệp.

Trong khi Ðiều 39 Luật Kế toán quy định về kiểm soát nội bộ có mục đích: “Tài sản của đơn vị được bảo đảm an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, và kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán”. Như vậy, pháp luật đã quy định nhưng khâu áp dụng và vận hành còn hạn chế.

Về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, theo ông Phương, đây là vấn đề rất khó, phức tạp, cần quan tâm đến các mặt như: thứ nhất, việc định giá xác định giá trị doanh nghiệp và đất đai, theo quy định, khi cổ phần hoá cần có tổ chức có chức năng định giá là các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá trong nước và ngoài nước, và thuộc danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện chức năng thẩm định giá do Bộ Tài chính thông báo hằng năm, theo quy định tại 127/2014/TT-BTC, và đối với doanh nghiệp có giá trị vốn của Nhà nước từ 10 tỷ đồng trở lên thì phải thực hiện theo quy định này.

Tuy nhiên, dư luận xã hội quan tâm về tình trạng định giá xác định giá trị doanh nghiệp không đúng với thực tế và dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước.

Mặt khác, doanh nghiệp cổ phần hoá được điều chỉnh giá trị doanh nghiệp đã công bố chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của doanh nghiệp được quy định tại Ðiều 26 NÐ 59/2011/NÐ-CP. Như thế, nguyên nhân do đâu mà giá trị doanh nghiệp không được xác định đúng, nhất là đối với những giá trị thương hiệu được xây dựng bằng cả quá trình lịch sử gắn với vị trí quyền sử dụng đất có lợi thế thương mại lớn? Và khi tư vấn trong quá trình cổ phần hoá DNNN không đúng với giá trị thực tế, tổ chức tư vấn phải chịu trách nhiệm như thế nào về những sai phạm của mình?

Kế đến, về phương án chào bán cổ phần, vấn đề quan tâm tại báo cáo là lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hoá doanh nghiệp, có nhiều tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài rất nhỏ (chỉ khoảng 1% - 2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hoá là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài. Mục tiêu cổ phần hoá là đổi mới và thu hút tài lực và nhân lực. Vậy thì tại sao, yếu tố chủ quan nào đã tác động và ảnh hưởng đến mục tiêu đặt ra?

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị, ở tầm vĩ mô, cần xây dựng và ban hành pháp luật kịp thời để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách phù hợp, đồng thời cần có các chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực để bảo đảm quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả chủ trương cổ phần hoá DNNN.

Ở tầm vi mô, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển ngoài các yếu tố ở tầm vĩ mô thì các yếu tố như vốn, công nghệ và nguồn nhân lực là các yếu tố quyết định, trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. Vì vậy, cần phải cụ thể chủ trương, đường lối một cách thiết thực, hạn chế và tránh tình trạng bấy lâu nay mọi quyết sách nằm trên giấy, khi triển khai ra thực tế là cả một quãng đường.

LÊ HOÀNG - DUY NHÃ

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục