BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiến độ thực hiện 3 đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn chậm

Cập nhật ngày: 02/12/2014 - 12:00

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (lần thứ IX) về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 – 2015, năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành 3 đề án về đào tạo nguồn nhân lực cho chức danh bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học ở nước ngoài và hỗ trợ đào tạo cho học sinh, sinh viên. Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay 3 đề án đào tạo của tỉnh đã đạt một số kết quả.

Đối với đề án tạo nguồn chức danh bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 20), toàn tỉnh đã tổ chức được 2 khoá với 65 học viên tham gia học tập. Đến nay, tất cả 65 học viên đã hoàn thành khoá học và đã trở về địa phương công tác.

Một lớp tạo nguồn chức danh bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ảnh minh hoạ

Đối với đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Đề án 21), tỉnh đã cử và hỗ trợ kinh phí cho 2 viên chức ngành giáo dục đi học nghiên cứu sinh tại Trung Quốc; cử 12 CBCCVC đi học lớp ngoại ngữ tiếng anh IELTS 6.5 tại TP.HCM và 20 CBCCVC đi học lớp ngoại ngữ tiếng anh IELTS 4.5 tại tỉnh. Kết quả có 2/12 học viên của lớp IELTS 6.5 và 13/20 học viên của lớp IELTS 4.5 đạt tiêu chuẩn.

Về đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Đề án 22), tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 11 sinh viên. Trong đó có 6 sinh viên đang học đại học trong nước với mức hỗ trợ khoán 83.500.000 đồng/sinh viên; 4 sinh viên đang học thạc sĩ trong nước với mức hỗ trợ 81.000.000 đồng/sinh viên và 1 sinh viên đang học thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Trường đại học JAMES COOK – Singapore với số tiền là 40.080 USD/khoá học. Đến nay có 6 sinh viên đã hoàn thành khoá học, trong đó một số đã được bố trí công tác.

Tuy nhiên, việc thực hiện 3 đề án đào tạo vẫn còn một số hạn chế. Công tác tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên tham gia 3 đề án còn gặp nhiều khó khăn, chưa phù hợp ngành nghề đào tạo của Đề án; nhiều đơn vị còn lúng túng, chưa chủ động lựa chọn đối tượng tham gia đề án.

Việc triển khai thực hiện Đề án 21 còn chậm do phần đa CBCCVC còn hạn chế về ngoại ngữ; số CBCCVC được cử đi đào tạo ngoại ngữ đạt kết quả chưa cao, không bảo đảm chỉ tiêu đào tạo theo Đề án. Một số trường hợp được cử đi học ngoại ngữ thuộc ngành dọc, sau khi đủ điều kiện về ngoại ngữ thì ngành chủ quản lại không cử đi học nước ngoài.

Ngoài ra, đa phần học sinh, sinh viên có trình độ đạt loại giỏi không muốn đăng ký tham gia Đề án số 22 vì sợ bị ràng buộc về thời gian phục vụ công tác tại tỉnh và đền bù chi phí đào tạo nếu không tiếp tục tham gia đề án.

D.P