BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Tiền không nên rải đều'

Cập nhật ngày: 12/04/2010 - 05:36

Đường vào bản Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn chỉ một trận mưa là bị cuốn trôi.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả buổi sáng 12.4 để bàn về kết quả giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo và xem xét khả năng triển khai tiếp giai đoạn ba.

Từ 2006 đến 2010, tiền rót cho Chương trình 135 giai đoạn 2 lên tới hơn 14.000 tỷ đồng với các kế hoạch cụ thể như hỗ trợ sản xuất, xây dựng hạ tầng...

Ngoài ra, trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn lại còn có tới 30 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan khác. Tính trung bình mỗi tỉnh có từ 10 - 15 các chính sách, dự án khác nhau.

Nguồn lực của tất cả các chương trình xoá đói giảm nghèo "đổ" vào không nhỏ. Bình quân từ 2 tỷ đến 10 tỷ đồng/xã/năm (với 1.850 xã và 2.500 thôn bản).

Như Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Ksor Phước chỉ ra, việc đầu tư đã mang lại kết quả không nhỏ. Thu nhập của người dân khu vực đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng lên. Ở những xã đoàn đã đi khảo sát, người dân có mức thu nhập 4 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, như Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội nhận xét, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm "giảm nhanh nhưng thiếu bền vững. Nguy cơ tái nghèo cao".

Cho đến cuối năm 2009, ở nhiều tỉnh vẫn còn tỷ lệ xã nghèo cao như Điện Biên 50%, Lạng Sơn, Quảng Bình 49%...

Chưa kể, thành tích "thoát nghèo" vẫn dựa trên chuẩn nghèo cũ. Bà Trương Thị Mai cho rằng nên xem lại mục tiêu "phấn đấu đến 2010, có trên 70% hộ có thu nhập đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm".

Bởi so với mục tiêu thu nhập bình quân cả nước mà Việt Nam đặt ra (1.200 USD) thì việc "phấn đấu" để có 3,5 triệu đồng không thấm tháp vào đâu.

Nguyên nhân của những tồn tại một phần do vốn giải ngân chậm, có nơi phân bổ sai mục đích, đối tượng, thất thoát.

Thậm chí, như một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã chỉ ra, để "tiêu" cho hết 200 triệu đồng hỗ trợ người dân sản xuất, các bộ mất tới bốn năm mới soạn xong một văn bản hướng dẫn.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu sáng kiến, lâu nay tiền cứ rải đều khắp các xã. Vậy nên chăng mỗi năm chỉ chọn làm điểm một số xã nhất định, tập trung đầu tư để "vực" địa phương đó dậy.

"Chứ nếu mỗi năm lại ném ra vài đồng bạc thì không ăn thua gì", ông Vượng nói. Trưởng Ban Dân nguyện dẫn lại chuyện rót 400 triệu đồng để làm một đoạn đường. Nhưng rồi chỉ sau một trận mưa là cuốn trôi tuột hết đường xá.

Ông Trần Thế Vượng cũng có chung đề xuất như Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, đó là nên cân nhắc đầu tư các xã vùng biên giới (ven biển, hải đảo).

Sau khi phân tích những điểm hơn, thiệt, đoàn giám sát cũng đề xuất Quốc hội sẽ tiếp tục quyết định chủ trương đầu tư cho giai đoạn tiếp theo (2011 - 2015).

(Theo Vietnamnet)