Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiến tới việc cung cấp nước sạch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Chủ nhật: 23:10 ngày 01/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu: tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 72%, UBND tỉnh đề xuất xây dựng mới 2 hệ thống cấp nước sạch tập trung với công suất cấp nước sạch từ 7.500 đến 11.500 m3/ngày, đêm.

Nước sạch dẫn về tận nhà người dân ở ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ. Ảnh: Ngọc Diêu

Ngày 10.5.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, trong đó, mục tiêu 6.1: Đến năm 2030, bảo đảm khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người. Đây là vấn đề mà tỉnh đang đặt ra, nhằm đạt được mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn.

Nhiều công trình đã xuống cấp 

Thời gian qua, công tác bảo đảm cấp nước sạch phục vụ cho đời sống, sinh hoạt người dân nông thôn đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, với nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, phát triển các hệ thống cấp nước sạch. Tuy nhiên, do ngân sách còn khó khăn, kinh phí phân bổ đầu tư công trình cấp nước và vệ sinh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình cấp nước tập trung, công suất thiết kế từ 50 m3/ngày.đêm đến trên 500m3/ngày.đêm, tổng công suất khai thác công trình cấp nước 9.125 m3/ngày.đêm, đạt 88,06% công suất thiết kế, phục vụ cung cấp nước 18.642 hộ, đạt 86,25% số hộ thiết kế. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức quản lý vận hành 67/71 công trình, chiếm tỷ lệ 91,78%; UBND các xã quản lý, vận hành 6 công trình, chiếm tỷ lệ 8,22%. Mặc dù số lượng công trình tương đối nhiều, tuy nhiên, hầu hết có quy mô nhỏ, phân bố rộng khắp các địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, do các công trình được xây dựng từ năm 2000 đến nay nên hệ thống đường ống đã cũ, sử dụng vật liệu thép nên han gỉ, rò rỉ nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch và làm tăng tỷ lệ thất thoát nước. Các công trình có quy mô đầu tư nhỏ, chủ yếu cấp nước cho các hộ dân nông thôn, nhỏ lẻ, manh mún, dân cư sống phân tán.

Mặt khác, do công tác khảo sát thiết kế trước đây chưa tính đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm lưu lượng, nhiều công trình thiếu nước vào mùa khô, không bảo đảm cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. 

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 18,91%, trong đó, 9,8% (khoảng 91.085 người) sử dụng nước từ công trình cấp nước nông thôn; 7,58% (khoảng 70.513 người) sử dụng nước do Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh cung cấp; 1,53% (khoảng 14.242 người) sử dụng nước từ chính sách hỗ trợ hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 191.648 công trình nhỏ lẻ do người dân tự đầu tư và sử dụng, mô hình cấp nước hộ gia đình với các loại hình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán (giếng khoan, giếng đào, hệ thống xử lý nước gia đình nông thôn) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt tại khu vực ngoài vùng cấp nước tập trung nông thôn.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc cấp nước nông thôn

Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã có những biểu hiện của biến đổi khí hậu rõ rệt: nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa vào mùa khô giảm đều qua các tháng, mùa mưa thì ngắn lại, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường (nắng nóng, hạn kéo dài…).

Đồng thời mưa lớn, ngập úng cũng xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng môi trường, thiên nhiên và sự phát triển bền vững. Các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các hoạt động, các chính sách, chiến lược và các quy hoạch phát triển của địa phương, trong đó, việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Khu vực cấp nước có địa hình tương đối cao, vào mùa khô, mực nước ngầm thường hạ thấp, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân tăng, các trạm cấp nước hoạt động vượt công suất. Một số khu vực điển hình ở phía Bắc, gồm 2 huyện Tân Biên và Tân Châu thuộc vùng khan hiếm nước, hệ thống sông suối ít, nhỏ, nước bị nhiễm phèn, đá vôi khá nặng, việc khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân tương đối khó khăn, nhân dân sử dụng giếng khoan nhỏ lẻ, chất lượng nước sinh hoạt chưa bảo đảm.

Khu vực huyện Châu Thành, Bến Cầu, đặc biệt là các xã khu vực biên giới, có nguồn nước mặt của sông Vàm Cỏ Đông, tuy nhiên, chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Mặt khác, trữ lượng nguồn nước ngầm ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, nếu khai thác về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.

Đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, để từng bước giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khắc phục hạn chế như hiện nay và đáp ứng yêu cầu của nhân dân về bảo đảm khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt, trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người, định hướng đầu tư các công trình cấp nước phải có quy mô tập trung, liên xã, liên huyện, công suất lớn, công tác quản lý, vận hành phải có nhân lực đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm cấp nước an toàn để cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Các công trình cấp nước đặt tại vị trí trung tâm, ngoài việc sử dụng hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu, cần bổ sung, đầu tư hoàn chỉnh tuyến ống cấp nước lan rộng ra khu vực xung quanh. Đồng thời, việc sử dụng nguồn nước mặt ổn định về chất lượng và trữ lượng, thay thế nguồn nước ngầm theo xu hướng hiện nay. 

Khó khăn trong mời gọi tư nhân đầu tư

Dù tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã mời gọi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước sạch tiếp cận, nghiên cứu thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn, nhưng hiện chỉ có 1 doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu với công suất 1.000m3/ngày.đêm. 4 doanh nghiệp khác, có đăng ký tiếp cận, khảo sát, nhưng chưa có ý định đề xuất dự án để tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Khó khăn nhất trong việc kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư là lợi nhuận thấp, nguồn thu không đủ bù các khoản chi phí, nhất là ở vùng xa, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã đề xuất vay vốn Ngân hàng Thế giới để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trình nước sạch nông thôn. Ngân hàng Thế giới là tổ chức tài trợ phát triển lớn nhất trên toàn cầu, có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực nước sạch vệ sinh nông thôn và đồng thời trong các hoạt động chống chọi với khí hậu và các hoạt động liên quan tới đầu tư có sự tham gia của khối tư nhân trong đa lĩnh vực.

Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh nông thôn cho khoảng 27.000 hộ, tương đương 101.389 người một cách bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các khu vực nông thôn, giúp nhân dân tiếp cận, sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế; phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu: tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 72%, UBND tỉnh đề xuất xây dựng mới 2 hệ thống cấp nước sạch tập trung với công suất cấp nước sạch từ 7.500 đến 11.500 m3/ngày. đêm, cụ thể:

Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (6 xã: Mỏ Công, Trà Vong, Tân Phong, Tân Bình, Tân Lập, Thạnh Tây). Công suất dự kiến: từ 8.000 m3/ngày.đêm đến 11.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 13.500 hộ với tổng mức đầu tư: 220 tỷ đồng. Nguồn nước thô lấy trực tiếp từ kênh Tân Hưng thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.

Xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã huyện Châu Thành và Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (10 xã: Ninh Điền, Thành Long, Hoà Thạnh, Hoà Hội, Long Vĩnh thuộc huyện Châu Thành và xã: Long Phước, Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Công suất dự kiến: từ 7.500 m3/ngày.đêm đến 11.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 13.500 hộ với tổng mức đầu tư: 220 tỷ đồng. Nguồn nước thô lấy trực tiếp từ sông kênh chính của dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Nhân viên quản lý trạm cấp nước sạch nông thôn xã Trà Vong, huyện Tân Biên kiểm tra nước cung cấp cho người dân địa phương.

Dự kiến, sau khi xây dựng hoàn thành 2 hệ thống cấp nước sạch tập trung sẽ góp phần giảm gánh nặng về nước sạch đối với các hộ dân khu vực khó khăn về nguồn nước, biên giới, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chi phí sử dụng nước tại những vùng khan hiếm nước sẽ giảm và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế xã hội; làm giảm bệnh tật trong khu dân cư, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội của người dân nông thôn, góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, hạn chế chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị.

Dự án hoàn thành góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt là khắc phục được tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh