BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góp ý Luật lao động (sửa đổi):

Tiếng nói từ thực tiễn 

Cập nhật ngày: 11/10/2019 - 06:19

BTN - Phát biểu ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu, một ý kiến đến từ ngành Giáo dục đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Lý do, mầm non là bậc học hoàn toàn khác biệt với giáo dục phổ thông, gần như 100% giáo viên của bậc học này là nữ.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh bày tỏ ý kiến không ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Trong ảnh là điều dưỡng BVĐK tỉnh.

Trong hai ngày 7 và 8.10, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lấy ý kiến của công đoàn cơ sở và người lao động xung quanh Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp sắp tới. Các nội dung được đưa ra lấy ý kiến đóng góp gồm có: thương lượng tập thể và thoả ước lao động tập thể; tiền lương; thời gian làm việc; tăng thêm thời gian nghỉ lễ cho người lao động; tuổi về hưu; lao động nữ và bình đẳng giới; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; giải quyết tranh chấp lao động và đình công.

Băn khoăn giờ làm việc trong một tuần

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm là vấn đề về tranh chấp lao động và đình công. Bà Nguyễn Thị Thanh Liễu-  Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH dệt may RiseSun Hong Kong (Việt Nam) thông tin, giai đoạn 2013-2016 xảy ra 1.284 cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công, chủ yếu trong ngành dệt may (39,17%), giày da (14,41%), điện tử (9,27%)…

Cũng theo thống kê, từ năm 1995 (Bộ luật Lao động có hiệu lực) đến nay, cả nước xảy ra trên 6.000 cuộc tranh chấp lao động, đình công. Đình công thường xảy ra ở các doanh nghiệp có rất đông công nhân lao động, gây mất an ninh trật tự, bất ổn xã hội, hoang mang, lo lắng và tiềm ẩn nguy cơ tội phạm trộm cắp, cướp giật…

Do các cuộc đình công thường xảy ra tại doanh nghiệp FDI, nên khi giải quyết phải có phiên dịch, kèm theo đó là sự khác biệt văn hoá khiến việc hiểu và giải quyết hết sức khó khăn. Chưa kể thời gian đình công thường kéo dài từ 3-7 ngày, khiến doanh nghiệp phải tạm thời ngưng hoạt động trong thời gian đó để ổn định tình hình. Nội dung đình công chủ yếu đòi hỏi lợi ích, như yêu cầu tăng lương, giảm định mức, tăng khẩu phần ăn ca, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện bữa ăn, yêu cầu vệ sinh sạch sẽ...

Để góp phần giải quyết các tranh chấp lao động tập thể, đại diện công ty này đề xuất, công đoàn cơ sở cần thiết lập các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả, giám sát và phản ánh với công đoàn cấp trên, tích cực tổ chức và phối hợp tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể.

Đối với vấn đề tiền lương, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hao Jiao VN (công ty có 100% vốn đầu tư của Trung Quốc) kiến nghị giữ nguyên tiền lương vào ngày nghỉ lễ, tết như quy định hiện hành, không giảm như trong dự thảo, vì chỉ như thế doanh nghiệp mới phải cân nhắc kỹ khi huy động người lao động làm việc vào ngày lễ. Về quy định trả lương theo luỹ tiến khi làm thêm giờ, đại diện Công đoàn công ty này đề nghị quy định rõ trong luật, không nên để hai bên tự thoả thuận thực hiện.

Bởi vì, việc trả lương cao cho giờ làm thêm của người lao động buộc người sử dụng lao động phải cân nhắc kỹ. “Đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng là “khả năng chi trả của doanh nghiệp”. Vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng Lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được sức sống, sự phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp”- đại diện Công đoàn Công ty TNHH Hao Jiao VN phát biểu.

Liên quan quy định giảm thời gian làm việc từ 48 giờ trong một tuần xuống còn 44 giờ, đại diện Công đoàn Công ty Trần Hiệp Thành cung cấp thông tin và bày tỏ quan điểm như sau: “Trong 1 đợt khảo sát trên fanpage của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với hơn 1.200 lượt người tham gia, có đến 80% ủng hộ phương án giảm thời giờ làm việc. Dù đây chỉ là một đợt khảo sát nhỏ trên phạm vi hẹp, chưa phải là dữ liệu chung của cả Việt Nam nhưng cũng cho thấy người lao động thật sự rất muốn được giảm thời gian làm việc trong tuần. Giảm giờ làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, vui chơi giải trí, học tập cũng như chăm sóc gia đình. Từ đó, tạo nên một lực lượng lao động luôn trong tình trạng đầy năng lượng tích cực trong các hoạt động sống và làm việc, qua đó cải thiện được chất lượng và hiệu quả công việc tại đơn vị”.

Tuy nhiên, đại diện Công đoàn của công ty này cũng nhìn nhận, việc giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động lớn như dệt may, gia giày, chế biến thuỷ sản. “Doanh nghiệp phải gánh chi phí tăng thêm khi mà thời gian làm việc của người lao động giảm đi nhưng chắc chắn phải giữ nguyên mức lương của người lao động. Vì người lao động không đồng ý giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với việc giảm lương. Khi chi phí tăng thêm trong điều kiện năng suất không đổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh”- đại diện Công đoàn này lập luận. Vẫn theo phân tích này, việc giảm giờ làm cũng có thể gián tiếp giảm năng suất lao động chung.

Trên khía cạnh nghiên cứu về tâm lý lao động nói chung, năng suất lao động thường thấp điểm vào đầu tuần, tăng dần trong những ngày giữa tuần và bắt đầu giảm vào cuối tuần. Nếu phương án giảm xuống còn 44 giờ/tuần đồng nghĩa việc ngày làm việc cuối tuần chỉ còn 4 giờ, thực tế tại đơn vị đã từng tổ chức làm việc 4 giờ/ngày cho thấy năng suất lao động vào ngày này khá thấp.

Về ảnh hưởng sức khoẻ, ý kiến này nhận định: “Thời gian làm việc bình thường không phải là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như đời sống tinh thần của người lao động. Thời gian tăng ca mới chính là nguyên nhân trực tiếp. Phần lớn người lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp, thời gian tăng ca của họ rất nhiều (thậm chí bằng 50% thời gian làm việc bình thường). Cũng vì tăng ca mà họ không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như chăm sóc gia đình”.

Ý kiến trái chiều về tuổi nghỉ hưu

Trong số những nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này có việc tăng tuổi nghỉ hưu. Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Ichihiro VN  (công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản) đóng góp ý kiến, tuổi nghỉ hưu, 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, về mặt sức khoẻ hay nhu cầu được nghỉ ngơi của người lao động tham gia sản xuất trực tiếp là thật sự cần thiết. “Nếu bắt buộc phải tăng thì chỉ tăng ở mức độ vừa phải, 57 tuổi đối với nữ, 61 tuổi đối với nam.

Việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải song hành với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; cũng như phải bảo đảm chất lượng, cơ cấu dân số và bình đẳng giới. Đồng thời, kiến nghị cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề sản xuất đặc thù, để tránh gây sốc về tình trạng thất nghiệp cũng như không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Bởi, người lao động hiện nay làm việc trong điều kiện còn khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt bảo đảm cho cuộc sống còn hạn chế. Do vậy, trong trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu, nên chia theo nhóm như nhóm lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm lao động làm việc trong doanh nghiệp, để có sự tính toán hợp lý nhằm tạo ra sự thống nhất và đồng thuận cao”- đại diện Công đoàn của công ty này phát biểu.

Không chỉ người lao động chân tay, nhóm lao động trí óc cũng bày tỏ băn khoăn khi bản dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu. Phát biểu ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu, một ý kiến đến từ ngành Giáo dục đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Lý do, mầm non là bậc học hoàn toàn khác biệt với giáo dục phổ thông, gần như 100% giáo viên của bậc học này là nữ.

Ở tuổi 60, giáo viên không còn thích hợp với tính chất lao động của bậc học này. Không chỉ ngành Giáo dục, đại diện Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cũng bày tỏ ý kiến không ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu, vì “ở tuổi đó, những người phụ nữ làm trong ngành y tế, đặc biệt là điều dưỡng và bác sĩ không đủ sức khoẻ để thức trực ban đêm”. Ý kiến này cũng phân tích, trên phương diện chuyên môn, ở tuổi 60, thị lực giảm, mắt kém nên e rằng “chích (tiêm) cho người bệnh sẽ không chính xác!”.

Đại diện công đoàn các công ty phát biểu ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Phát biểu về một số nội dung liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Huỳnh Thanh Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh cho biết, Chính phủ đề xuất tăng tổng số giờ làm thêm trong một năm lên trên 200 giờ đối với một số ngành nghề (quy định hiện hành 200 giờ) là do thiếu hụt lao động. “Theo tính toán, từ nay đến năm 2037, mỗi năm nước ta thiếu khoảng 400 ngàn lao động.

Chúng tôi đi khảo sát, có những doanh nghiệp thiếu ba, bốn ngàn lao động nhưng tuyển không được”- ông Phương nói. Ông Phương cũng thông tin, việc tăng giờ làm thêm sẽ được tính theo luỹ tiến, nghĩa là, nếu người lao động làm từ 201 giờ trở lên thì mức tiền trả cho người lao động sẽ tăng theo, cao hơn so với con số 200 giờ. Đối với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, trên thế giới hiện có 37% quốc gia quy định, ngoài 60 tuổi vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu, có nước làm đến 65 tuổi.

Tại Việt Nam, số liệu thu thập được cho thấy, 42% người nghỉ hưu vẫn tham gia lao động. Ông Phương cũng lưu ý, Chính phủ đã có danh mục quy định 1.750 ngành nghề có tính chất lao động nặng nhọc, độc hại sẽ nghỉ hưu sớm hơn các nhóm ngành nghề khác.

Việt Đông