Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đầu giờ phiên làm việc sáng nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình tiếp thu, chỉnh lý Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri đã được tiếp thu.
Ngay sau kỳ họp thứ 4, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB); tổ chức một số hội nghị, hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đưa ra thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. UBTVQH đã nghe các cơ quan báo cáo, thảo luận tập thể, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tại 2 phiên họp; đã báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số vấn đề lớn của dự án Luật.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, các đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban nhân dân 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật.
Bổ sung nhiều ngành nghề ưu tiên phát triển
Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung trong dự thảo Luật một số ngành, nghề: Dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp xây dựng và thống nhất các tiêu chí để tiến hành rà soát tổng thể và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu bao gồm 131 ngành, nghề (tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 4); đồng thời, bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước tại từng đặc khu quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành tại từng đặc khu.
Quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý một cách cơ bản, trong đó phân quyền mạnh mẽ việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh tại đặc khu.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các ĐBQH, quy định về nhà đầu tư chiến lược đã được chỉnh lý bổ sung các tiêu chí để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với yêu cầu, mục tiêu phát triển của đặc khu; đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, bổ sung quy định về nghĩa vụ, điều kiện được hưởng ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng đủ điều kiện.
Bớt ưu đãi về thuế, nhưng vẫn bảo đảm vượt trội
Trên cơ sở ý kiến các ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giảm bớt mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi thuế đối với một số đối tượng, dự án đầu tư tại đặc khu so với dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng vẫn bảo đảm sự ưu đãi vượt trội về tổng thể.
Về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý quy định dịch vụ này được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu; đồng thời, chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động dịch vụ nói trên trong dự án khu phức hợp dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược.
Về lao động, tiền lương và an sinh xã hội, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số cơ chế nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân tại đặc khu, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế; bổ sung quy định mới về một số chính sách an sinh xã hội như: Chuẩn nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp; chỉnh lý quy định đối với lao động là người nước ngoài nhằm quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng mục tiêu khuyến khích, thu hút đối với lao động trình độ cao và hạn chế lao động phổ thông.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý quy định về một số cơ chế, chính sách khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của các đặc khu, cụ thể là: Quy định một số nguyên tắc về quyền sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú; quy định chặt chẽ hơn về phương thức ứng vốn và hoàn trả kinh phí ứng trước; chỉnh lý một số cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, hải quan, nhập cảnh, đi lại và cư trú, chính sách đặc biệt riêng của từng đặc khu như được thể hiện trong dự thảo Luật.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, các ĐBQH sẽ thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Nguồn Chính phủ