BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Cập nhật ngày: 19/07/2011 - 09:13

Hội nghị sẽ quán triệt và triển khai Chỉ thị 04-CT/TW một cách có hiệu quả

Ngày 19.7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư (khoá XI) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương chủ trì Hội nghị. 

Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân, các tỉnh uỷ, thành uỷ và các cơ quan báo chí.

Hội nghị đã tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân"; phổ biến, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 04 đến các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức nhân dân.

Báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW và tham luận của các đại biểu đã khẳng định: Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đối ngoại nhân dân đã cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian qua còn một số mặt hạn chế, bất cập: Nhận thức của một số cấp uỷ, một số địa phương, đơn vị về đối ngoại nhân dân chưa đúng, chưa đầy đủ; không thấy rõ vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân trong mặt trận ngoại giao nói chung và trong tình hình hiện nay, chưa chú trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân ở địa phương, đơn vị. Việc tổ chức hoạt động đối ngoại nhân dân có lúc, có nơi cũng chưa thật tốt, thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, chồng chéo, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp. Lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn rất mỏng, không được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo, bộ máy thiếu đồng bộ...

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức nhân dân trong thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 44 của Ban Bí thư (khóa VII). Đồng thời, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sớm khắc phục những hạn chế cơ bản của công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đối ngoại nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Hiện nay đã xuất hiện những yếu tố mới, phong trào nhân dân thế giới tiếp tục phát triển đa dạng, tiếng nói của nhân dân và các tổ chức sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn tại các quốc gia và trên trường quốc tế, vì vậy, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong mặt trận ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ: Công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân và cả những cá nhân tiêu biểu. Với phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả", triển khai công tác đối ngoại nhân dân bảo đảm đúng đường lối đối ngoại và sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, giữ vững an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.

Đồng chí nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương cần nhận thức thật đúng, thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí và vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân trong mặt trận đối ngoại chung của nước nhà; Nhiệm vụ bao trùm của đối ngoại nhân dân là vừa chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, vừa chú trọng đi vào chiều sâu với các đối tác quan trọng; Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ cần tiến hành đánh giá thực trạng bộ máy, cán bộ, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân, từ đó tiến hành kiện toàn, củng cố và phát triển đội ngũ.

Đồng chí bày tỏ tin tưởng các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể và tổ chức nhân dân sẽ nắm vững các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và triển khai thực hiện để làm cho hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả cao hơn, góp phần đảm bảo thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.

Đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý: Việc triển khai Chỉ thị phải được tiến hành nghiêm túc, gắn với việc đánh giá khách quan công tác đối ngoại nhân dân hiện nay; có chương trình thực hiện cụ thể với các đề án, cơ chế, chương trình cụ thể, tạo chuyển biến tích cực về công tác đối ngoại nhân dân, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

(Theo CPV)