Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 13.12, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 nhằm đánh giá công tác triển khai đối ngoại địa phương trong thời gian qua, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là về chủ trương, đường lối định hướng đối ngoại, từ đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Tham gia hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, công tác đối ngoại thời gian qua đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện; nổi bật là nước ta đã giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyển thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời huy động các nguồn lực trong đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế-xã hội.
“Đặc biệt, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các địa phương chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”- Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, kết quả của công tác đối ngoại có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Công tác đối ngoại địa phương đang được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các địa phương đã phục vụ tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tại phiên tham luận của hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đã có bài tham luận về “Đánh giá vai trò của công tác đối ngoại trong hợp tác an ninh - kinh tế biên giới”. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, là tỉnh có đường biên giới dài và vị trí giao thông đường bộ quan trọng, Tây Ninh xác định việc tăng cường vai trò công tác đối ngoại trong hợp tác an ninh - kinh tế biên giới là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới.
Trong công tác đối ngoại, tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại quốc phòng, biên phòng và hợp tác quốc tế trong xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia; trọng tâm là Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xây dựng các cụm cư dân biên giới; tiếp tục duy trì đường dây nóng và củng cố quan hệ hợp tác giữa lực lượng chức năng hai bên trong giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới, cửa khẩu cũng như các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới; thường xuyên trao đổi thông tin có liên quan để phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai, thảm hoạ ở khu vực biên giới, phân giới cắm mốc và bảo vệ an toàn hệ thống mốc giới, phòng chống tội phạm và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tỉnh cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối và hạ tầng cửa khẩu, các trang thiết bị và phương tiện phục vụ kiểm soát được thuận lợi, thông thoáng cho người, phương tiện xuất nhập khẩu và hàng hoá xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới theo quy định.
Hai bên đã tăng cường, phối hợp, hợp tác trong việc nâng cấp các cửa khẩu, xúc tiến thương mại và xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu, qua đó, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ ở khu vực biên giới hai nước tăng trưởng nhanh và mạnh, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng và tiền giả qua biên giới.
Hai bên cùng thống nhất trên từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế vùng biên, nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tăng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Tây Ninh đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn là gần 4.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, ổn định lâu dài để khuyến khích phát triển thương mại biên giới và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu để tạo động lực phát triển; kiến nghị Bộ sớm tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, trong đó ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kết nối và hạ tầng cửa khẩu quốc tế.
Nhân hội nghị, có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng. Trong đó, tập thể Sở Ngoại vụ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến - Trưởng Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc biên giới tỉnh Tây Ninh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba với thành tích xuất sắc trong công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ năm 1999 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tây Ninh còn có 1 tập thể, 6 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 18 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với nhiều thành tích trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Campuchia từ năm 1999 đến năm 2019.
C.T