BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục “dọn vườn” đáp án một cuộc thi

Cập nhật ngày: 09/05/2017 - 08:40

BTNO - Sau các bài viết đã đăng trên báo Tây Ninh: “Không có chuyện người Bắc Kinh tham gia xây dựng Thiên Hậu miếu” và “Tháng ba 1946: Chiến thắng nào ở Thanh Ðiền?”- nói về những sai sót của đáp án Cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá Tây Ninh do Bảo tàng tỉnh tổ chức (có in trên phụ trương của Báo Tây Ninh) đã không có ý kiến phản hồi nào. Sự im lặng này chứng tỏ: các bài báo đã nói đúng, tuy rằng ban tổ chức cuộc thi còn chưa có ý kiến thừa nhận.

Ðến đáp án tháng 4.2017- cũng của cuộc thi trên (đăng ở phụ trương Báo Tây Ninh- số ra ngày 14.4), câu đầu tiên có nêu: “Ngày 20.7.1954, thực dân Pháp ký hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam…”. Ðúng quá còn gì! Nhưng đúng mà chưa đầy đủ. 

Bởi nếu viết thế thì bạn đọc có thể hiểu là Pháp chán đánh nhau rồi nên ký cái hiệp định ấy để ban phát hoà bình cho nhân dân Việt Nam! Làm sao mà Pháp lại có thể đơn phương ký hiệp định như vậy được? Ai học lịch sử mà chẳng biết hội nghị quốc tế quan trọng ấy đã diễn ra với nhiều nước tham gia, trong đó có các cường quốc như Liên Xô, Mỹ… và hai phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội liên hiệp Pháp.

Trong sách “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945- 1954)- Nxb Chính Trị Quốc Gia, năm 2013 ở trang 21 có ghi: “Cuộc kháng chiến bền bỉ, anh dũng của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao thắng lợi là chiến thắng Ðiện Biên Phủ vang dội đã buộc chính phủ Pháp ký kết hiệp định Giơ ne vơ (tháng 7 năm 1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước…”.

Còn đầy đủ, ngắn gọn hơn thì: “ngày 20.7.1954, Hiệp định Giơ ne vơ lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết, lệnh ngừng bắn được tiến hành trên toàn chiến trường…” (Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930- 2005, xuất bản năm 2010).

Ở đoạn viết về liệt sĩ Hoàng Lê Kha- đáp án cũng đúng: “Ngày 12.3.1960 tại ấp Tam Hạp (nay là ấp Suối Muồn), xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, vào lúc 5 giờ sáng chúng đã hành hình đồng chí Hoàng Lê Kha bằng máy chém…”. Nhưng nói: “để trả thù cho sự kiện Tua Hai” thì là chưa thuyết phục. Vì sự kiện Tua Hai, hay chính xác hơn là trận ta thắng lớn ở Tua Hai- căn cứ của một trung đoàn địch là một sự kiện lịch sử khách quan, trả thù thế nào được? Nếu trả thù thì phải trả thù những người đã tạo ra chiến thắng vang dội ấy, chứ sao “trả thù cho sự kiện Tua Hai” như đáp án đã trình bày?

Về chuyện này, sách “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh” (năm 2010) có viết: “Chính quyền Ngô Ðình Diệm đưa đồng chí Hoàng Lê Kha, từ đề lao Chí Hoà về xử bằng máy chém tại Bàu Heo (xã Thái Bình) nhằm lung lạc tinh thần nhân dân, ngăn chặn đà tiến công của cách mạng nhưng chúng đã thất bại…” (trang 181).

Ðáp án còn có một nhận định chủ quan nữa, đó là: “Chính sự kiện này (xử chém Hoàng Lê Kha) đã tạo ra nội bộ địch mâu thuẫn sâu sắc đưa đến Diệm bị đảo chính vào ngày 1.11.1960 đồng thời phá sản hoàn toàn chiến tranh đơn phương của địch…”. Liệu suy diễn chủ quan như thế có đúng không? Xin tham khảo một số sách sử khác.

Theo sách “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, tập II thì đây là kết quả của: “Một năm đồng khởi, nhân dân miền Nam từ trong thực tiễn đấu tranh chống chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ, đã sáng tạo ra phương thức kết hợp chính trị với quân sự và binh vận, đánh sập bộ máy cai trị của địch ở cơ sở, giành quyền làm chủ đại bộ phận nông thôn… Trong bối cảnh ấy, ngày 1.11.1960, nổ ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm…” (trang 384).

Sách “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh” (2010) đã không nhắc đến cuộc đảo chính này. Nhưng, sách “Tây Ninh 30 năm trung dũng, kiên cường” có đoạn: “Thắng lợi của đợt nổi dậy khởi nghĩa vũ trang của Tây Ninh cùng với thắng lợi toàn miền tạo ra trong nội bộ địch một mâu thuẫn sâu sắc đưa đến việc Diệm bị đảo chính hụt ngày 1.11.1960”. Không có tác phẩm nào viết như đáp án cả. Liệu đây có phải là một “sáng tạo mới” trong suy luận của ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá Tây Ninh?

NGUYỄN QUỐC VIỆT


Liên kết hữu ích