BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục đưa Quy chế dân chủ ở cơ sở vào đời sống

Cập nhật ngày: 14/01/2010 - 11:46

 

Đồng chí Trương Tấn Sang: Chỉ thị 30 là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Ngày 13.1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị.

Bước tiến mới về mở rộng dân chủ

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở khẳng định, sau 10 năm triển khai, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các cấp, các ngành đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với chương trình cải cách hành chính, sửa đổi bổ sung nhiều quy chế, quy định.

Những vấn đề nhân dân bức xúc, như kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù thu hồi đất, việc sử dụng ngân sách… được chính quyền địa phương tiếp nhận, với gần 95 % đơn, thư thuộc thẩm quyền được giải quyết.

Kết quả cuộc khảo sát lấy ý kiến về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, có hơn 83% cán bộ cấp xã và gần 70% nhân dân đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực sự có hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, Chỉ thị 30 ban hành ngày 18.2.1998 hợp lòng dân, là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hơn 10 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tạo ra sự chuyển biến tích cực nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

5  trọng tâm chỉ đạo thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu một số vấn đề, đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới.
Một là tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở, xem đây là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở, nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi thực hiện quyền dân chủ rộng rãi và trực tiếp nhất của nhân dân.
Hai là tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản để thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, các lĩnh vực mới chưa có quy chế; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi trong mọi hoạt động hợp pháp của nhân dân. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước các cấp cho dân, cho công nhân viên chức biết để kiểm tra, giám sát….
Ba là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Bốn là thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành, đơn vị.
Năm là các cơ quan chức năng ở Trung ương cần ban hành bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, chú ý đến các cơ sở trong tình trạng thực hiện yếu kém hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đưa nội dung Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị vào cuộc sống mạnh mẽ hơn trong thời gian tới ở tất cả các loại hình cơ sở và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

(Theo chinhphu.vn)