Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) và các văn bản quy định pháp luật hiện hành.
Học sinh một trường tiểu học trên địa bàn huyện Tân Biên sau khi sáp nhập vào trường khác trên cùng địa bàn (chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: Việt Đông
Theo UBND tỉnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2414/QĐ-UBND ngày 27.9.2018 của UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” giai đoạn 2018 – 2021; số lượng phòng, ban, chi cục sau sắp xếp đã giảm 40/150 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm 26,66%), số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 107 đơn vị/741 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm 14,44%), số lượng biên chế công chức giảm 204 biên chế (đạt tỷ lệ giảm 10,15%), số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 2.124 người (đạt tỷ lệ 11,01%), vượt mức so với kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị không bảo đảm các tiêu chí quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Rà soát, sắp xếp tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố theo hướng dẫn cấp có thẩm quyền.
Rà soát, bố trí đúng số lượng cấp phó bảo đảm theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14.9.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 17.6.2021 của UBND tỉnh về việc Ban hành Đề án bố trí số lượng cấp phó của người đứng đầu sở và các tổ chức, đơn vị thuộc sở.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, trong đó, xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập không bảo đảm đủ điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Rà soát, xây dựng Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, địa phương quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10/.017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đảm bảo tinh giản số lượng đơn vị sự nghiệp, sắp xếp hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng: Một đơn vị sự nghiệp có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công; cơ cấu lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả; tăng cường giao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự cho đơn vị sự nghiệp; không thành lập mới đơn vị sự nghiệp, trường hợp cần thiết phải thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thì phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
Hy Uyên