BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục rót vốn cho tập đoàn kinh tế nhà nước

Cập nhật ngày: 15/11/2010 - 10:05

Theo Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 được thông qua sáng 15.11, Quốc hội chấp thuận chi cho 5 tập đoàn và Tổng công ty 91, đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách cho một số tập đoàn, NHTM để  thực hiện cho xong các nhiệm vụ Nhà nước đã giao.

Xem xét phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét việc chi cho các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91, các Ngân hàng thương mại Nhà nước.

Song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là để thực hiện các công trình, dự án phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công công được Nhà nước giao chứ không phải cấp vốn cho doanh nghiệp Nhà nước.

Hơn nữa, trong số vốn có một số nguồn vốn ngoài nước (ODA) hỗ trợ trực tiếp, theo địa chỉ từng dự án, công trình cho các tập đoàn, tổng công ty.

Do đó, Quốc hội đã chấp thuận khoản chi cho 5 tập đoàn và Tổng công ty 91, trong đó vốn ngoài nước là 1.090 tỷ đồng hỗ trợ cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách Nhà nước cho một số tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục thực hiện cho xong các nhiệm vụ Nhà nước đã giao trong những năm trước đây. 

Tăng thanh tra, kiểm tra Petro Vietnam

Riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) được bố trí đầu tư 3500 tỷ đồng. Khoản ngân sách quốc gia nói trên dành cho Petro Vietnam trong năm 2011 được thông qua theo điều 2 của Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở trung ương và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (với tỷ lệ đa số phiếu tán thành chiếm 76,47%).

Mặc dù trước khi điều 2 được thông qua, trên 50% ý kiến của các đại biểu Quốc hội (200/398 phiếu) không đồng ý đầu tư trở lại 3500 tỷ đồng cho Petro Vietnam.

Một số ý kiến đề nghị bố trí 3.000 tỷ đồng, ý kiến khác đề nghị chỉ bố trí 1500 tỷ đồng, còn 2000 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước và yêu cầu báo cáo danh mục, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này.

Song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại có ý kiến trái lại, cho rằng, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án công trình đang trong qúa trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Ủng hộ việc đầu tư trở lại 3500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ báo cáo một số nội dung theo yêu cầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 9, sau đó mới quyết định chi cụ thể.

Để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và Petro Vietnam báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu  tư đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Petro Vietnam nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật.

Xăng E5 pha chế Etanol không phải chịu thuế

Xăng E5 pha chế với Etanol, loại xăng ít gây ô nhiễm môi trường sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

Quốc hội sáng nay đã thông qua dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, theo đó không đặt Etanol trong danh mục đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.

Trong khi đó, các sản phẩm xăng nói chung sẽ chịu mức thuế từ 1000 đến 4000 đồng/lít.

Đáng chú ý, theo danh mục đối tượng chịu thuế của luật, lần đầu tiên, túi nilon bị điều chỉnh "đánh" thuế ở mức cao hơn so với hiện nay, tăng từ 20 nghìn - 30 nghìn đồng lên từ 30 nghìn lên 50 nghìn đồng.

Việc đánh thuế cao hơn túi nilon do đây là sản phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng, khó phân hủy, lại được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, dù hiện vẫn chưa có sản phẩm phổ biến thay thế.

 

* Cũng trong sáng 15.11, Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được bộ trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ tướng giao.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà không cần phải được Thủ tướng giao.

Cùng với quyền hạn trên, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền đề nghị bộ trưởng, yêu cầu chủ tịch tỉnh tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của bộ, của ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trường hợp bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về quyết định của mình.

Chấm dứt thanh tra hình thức

Quy định đảm bảo "địa vị" của cơ quan thanh tra độc lập tương đối trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp là bước sửa đổi đáng chú ý của Luật, nhằm khắc phục tính hình thức trong hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trước khi thông qua cho hay, đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho cơ quan thanh tra được chủ động và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, quyết định của mình, góp phần khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.

Trong số các quy định sửa đổi khác của luật có quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực (bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở) trực tiếp thực hiện để chính những người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan này (không phải là thanh tra viên) trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật.

Điều này nhằm góp phần chấn chỉnh lại tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành thời gian qua, đồng thời, cũng để đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

 

* Luật Viên chức được Quốc hội thông qua vẫn chủ trương quản lý, trả lương theo hệ thống ngạch bậc, chức danh nghề nghiệp, song cân nhắc cải cách theo lộ trình, chuyển dần sang trả lương viên chức theo vị trí việc làm.

Quyết định bỏ phiếu cho giai đoạn mang tính "quá độ" về chế độ trả lương cho viên chức như trên cũng để đảm bảo tránh sự tác động lớn trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Từ "cào bằng" sang đãi ngộ xứng đáng

Dù theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chế độ quản lý công chức, viên chức căn cứ vào chỉ tiêu biên chế và trả lương theo ngạch bậc đã bộc lộ bất hợp lý, chưa thể hiện được tính khoa học và nâng cao tính tự chủ trong công tác tổ chức, quản lý nhân sự tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc trả lương còn mang tính “cào bằng” nên chưa khuyến khích viên chức phấn đấu và không có chế độ đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng.

Do đó, để có căn cứ cho việc thực hiện chế độ cải cách tiền lương cũng như đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng viên chức, tạo điều kiện để hình thành chế độ đãi ngộ công bằng, xứng đáng với trình độ, năng lực, mức độ đóng góp của viên chức, dự thảo Luật Viên chức đã quy định vị trí việc làm là một căn cứ quan trọng để thực hiện chế độ tiền lương.

Quốc hội thông qua luật vẫn chủ trương quản lý, trả lương theo hệ thống cũ.

Tuy nhiên, có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc trả lương theo vị trí việc làm là một bước cải cách quan trọng, nên để thực hiện được chủ trương này, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ theo lộ trình nhất định.

Do vậy, Luật chưa quy định cứng việc xác định vị trí việc làm là căn cứ để trả lương. Trước mắt, việc quản lý, trả lương đối với viên chức tiếp tục được thực hiện như hiện nay.

Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn nhân lực công, cải cách chính sách tiền lương tới đây, Chính phủ nghiên cứu, xác định bước đi thích hợp, trong đó có việc chuyển dần sang thực hiện trả lương cho viên chức tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả công việc.

Không loại khỏi biên chế viên chức tuyển trước tháng 7.2003

Luật có một số quy định đáng chú ý như viên chức không được tham gia đình công, viên chức được góp vốn nhưng không được tham gia điều hành, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, viên chức làm việc ngoài thời gian quy định trong hợp đồng làm việc.

Bên cạnh đó, những người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài, nay trở về Việt Nam cư trú (bao gồm cả tạm trú) đều có thể tham gia dự tuyển làm viên chức nếu có nguyện vọng và đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Đối với các trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội về việc không cần thiết ký lại hợp đồng vì sợ ảnh hưởng tâm lý của đội ngũ này, Luật quy định viên chức được tuyển dụng trước thời điểm trên có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này, tức không phải ký lại hợp đồng.

Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012.

(Theo Vietnamnet)