Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 3.3, lãnh đạo 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước có buổi làm việc, thống nhất chủ trương tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác của tỉnh Bình Phước có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Về phía tỉnh Tây Ninh có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Hùng Thái; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương trình bày các dự thảo báo cáo kết quả hợp tác giai đoạn 2016-2021; kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch tổ chức hội nghị ký kết hợp tác.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. Các sở, ngành của hai địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nội dung của Bản thỏa thuận hợp tác, đồng thời chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, qua đó đã tạo động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai địa phương đến đầu tư tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Qua 5 năm triển khai Chương trình đã tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ của hai địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, tạo động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh cũng phân tích, đánh giá một số nội dung còn hạn chế trong việc thực hiện chương trình phối hợp như, công tác phối hợp giữa một số sở, ban, ngành của hai địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; một số nội dung hợp tác được triển khai thực hiện thiếu chiều sâu, chi tiết nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Qua phân tích những tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh, lãnh đạo hai địa phương cùng thảo luận thống nhất cùng thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và đầu tư; tiếp tục phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến Bộ, ngành Trung ương, như: việc thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, QL14C, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, chuyển cấp các tuyến đường địa phương thành quốc lộ sau khi quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt, hợp tác trên lĩnh vực du lịch...
Về tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đề xuất sớm triển khai kết nối giao thông giữa hai tỉnh; hợp tác, thúc đẩy kết nối liên vùng, muốn hai tỉnh phối hợp thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc Chơn Thành- Đức Hòa; QL14C trong quy hoạch vùng; hợp tác về xây dựng quy hoạch; phát triển du lịch - đây là lĩnh vực Tây Ninh đang thực hiện rất tốt, cần kiến tạo các tuyến du lịch liên tỉnh.
Ngoài ra, sẽ hợp tác trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch; công tác lãnh đạo quản lý, xây dựng Đảng; phối hợp trong quản lý đường biên, cột mốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất phối hợp theo nhóm vấn đề, trên cơ sở nhận diện tiềm năng, lợi thế, cơ hội mà hai tỉnh đang có để phát triển kinh tế -xã hội. Trong đó, vấn đề cần ưu tiên là 2 tỉnh thống nhất nhóm cơ chế để phối hợp với các tỉnh, thành khác khuyến khích, mở ra cơ hội, động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bên cạnh đó, cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của hai bên để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tạo cơ chế hợp tác phối hợp để bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh biên giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm mong muốn được trao đổi, chia sẻ thông tin về định hướng quy hoạch của cả hai tỉnh, để thống nhất về định hướng mục tiêu, ý tưởng có tính chất liên kết vùng; cùng nghiên cứu đề xuất vào quy hoạch vùng Đông Nam bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, Tây Ninh ủng hộ ý tưởng của tỉnh Bình Phước cùng thúc đẩy Bộ Giao thông vận tải triển khai nhanh tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; ủng hộ ý tưởng của Bình Phước kiến nghị với Trung ương sớm chuyển giao giai đoạn để tạo tuyến đường từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, tạo điều kiện kết nối tuyến đường từ Tây Ninh đi qua Bình Dương đến sân bay Long Thành, thống nhất thúc đẩy các điểm kết nối hiện nay về phía bắc theo hướng đồng bộ hóa các tuyến đường, kiến nghị Chính phủ hiện thực hóa tuyến QL14C.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất sẽ tổ chức hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và ký kết kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 giữa hai tỉnh dự kiến diễn ra trong tháng 3.2022 tại tỉnh Tây Ninh, kết hợp với một số hoạt động quảng bá xúc tiến, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của cả hai bên.
Tố Tuấn