Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Toàn tỉnh có 1.078 hộ đăng ký cam kết chuyển hơn 2.600 ha đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích sang trồng lại rừng. Đến nay, đã có 490 hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.045,76 ha.
Cho phép trồng cây keo trên đất đã xử lý nếu thiếu giống sao, dầu |
Theo tin từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) 1070, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh vào giữa năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 1.078 hộ đăng ký cam kết chuyển hơn 2.600 ha đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích sang trồng lại rừng. Đến nay, trong tổng số hộ cam kết đã có 490 hộ tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.045,76 ha, trong đó có 479,72 ha cây cao su, 566,04 ha cây điều, còn lại là các cây nông nghiệp khác.
Những con số thống kê nêu trên là kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, tại cuộc họp BCĐ 1070 vào đầu tháng 8 vừa qua, một số địa phương và chủ rừng đã phản ánh là hiện tại công tác xử lý bao chiếm đang gặp một số khó khăn. Trước tiên là trong công tác trồng rừng. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh thì đất xử lý đến đâu đưa vào trồng rừng đến đó. Đến nay, tổng diện tích đất đã xử lý và thiết kế trồng rừng đã được hơn 1.000 ha. Thế nhưng, lượng cây giống chuẩn bị trồng rừng thì có thể sẽ thiếu- nhất là các loại cây trồng chính là sao, dầu. Một số địa phương băn khoăn là nếu đất lâm nghiệp đã xử lý bao chiếm xong mà không kịp thời tiến hành trồng rừng, thì sẽ không thực hiện đúng quan điểm “xử lý đến đâu trồng rừng đến đó”. Đồng thời còn có nguy cơ bị tái bao chiếm khiến việc xử lý sau này sẽ càng khó khăn hơn. Từ đó có địa phương đặt vấn đề, từ nay đến cuối năm có nên tiếp tục xử lý đất lâm nghiệp bị bao chiếm nữa hay không?
Về tình trạng thiếu cây giống, theo đánh giá của ngành chức năng là do liên tục trong 2 năm qua hạt giống cây sao và dầu bị mất mùa. Đồng thời năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình 661 nên tỉnh nào cũng nỗ lực gia tăng diện tích trồng rừng để đạt kế hoạch nên nhu cầu cây giống gia tăng đột biến, gây ra tình trạng thiếu cây giống. Đây là tình trạng chung không chỉ có Tây Ninh mà nhiều tỉnh khác cũng gặp phải, nên năm nay khó có thể tìm mua được cây giống ở ngoài tỉnh để bù vào số lượng cây thiếu hụt như năm trước. Từ đó, một số chủ rừng đề xuất giải pháp là cho trồng trước cây keo trên diện tích đã thiết kế trồng rừng, trong đó chừa trống những hàng theo mô hình trồng cây chính như sao, dầu để năm sau sẽ trồng bổ sung. Đây là giải pháp tạm thời nhưng có hiệu quả vì nếu đất đã xử lý, đã thiết kế mà không kịp thời trồng rừng thì có nguy cơ sẽ tiếp tục bị bao chiếm.
Tiếp tục xử lý cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp theo kế hoạch |
Ngày 18.8.2010, BCĐ 1070 có văn bản thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ 1070 trong tháng 7 vừa qua. Trong đó có nêu rõ: “Công tác xử lý đất bao, lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích vẫn phải thực hiện theo kế hoạch đề ra trên tinh thần xử lý đến đâu tổ chức trồng rừng ngay đến đó. Trường hợp đến cuối vụ trồng rừng mà thiếu cây giống sao, dầu, hoặc khả năng trồng sao, dầu tỷ lệ sống không cao, thì cho phép trồng cây keo để giữ đất, ngăn không cho tái lấn chiếm và sẽ tổ chức trồng bổ sung cây sao, dầu trong vụ trồng rừng năm 2011. Phương thức này áp dụng cả cho Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bởi vì cây keo trồng hỗn giao với sao, dầu được xem như cây trồng chính khi chặt băng cây cao su để trồng lại cây rừng. Riêng đối với khu vực đất lâm nghiệp nằm trong vùng trảng thấp thì cho phép trồng thuần cây keo- trong đó có 50% cây keo được xem là cây trồng chính có tính chất phòng hộ lâu dài…”.
Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định công tác xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp vẫn được tiếp tục triển khai theo kế hoạch, đồng thời cho phép trồng trước cây keo nếu như cây giống sao, dầu bị thiếu để giữ đất đã xử lý, ngăn ngừa tình trạng tái lấn chiếm. Đồng thời BCĐ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, hướng dẫn cụ thể đến các BQL rừng để tổ chức thực hiện.
Sơn Trần