Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp xúc cử tri chuyên đề của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, quốc hội khoá XV: Góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền
Thứ sáu: 17:11 ngày 23/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 22.9, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Doàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh và đại diện cán bộ lãnh đạo một số Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chủ trì buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện các ngân hàng góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật liên quan.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh cho biết, thị trường vốn Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh và đã cùng thị trường tiền tệ là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, tuy nhiên, quy mô của thị trường vốn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và hiện nay ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, kể cả vốn trung, dài hạn.

Do vậy, trong những giai đoạn biến động của nền kinh tế, phải thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thì việc đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo triển khai thực hiện để phát triển mạnh hơn thị trường vốn ở Việt Nam tương xứng với tiềm năng hiện có, qua đó, từng bước giảm dần nhu cầu vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam- nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.

Về công tác đấu tranh phòng, chống “tín dụng đen”, thời gian qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật đến “tín dụng đen” theo chỉ thị số 12/CT-TTg năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động tín dụng đen trên môi trường mạng có xu hướng tăng.

Để ngăn ngừa hiệu quả hoạt động tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả hơn để phát hiện, xử lý các trang app, các thuê bao nhắn tin, quảng cáo, rao vặt liên quan đến tín dụng đen, cho vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có cơ chế để quản lý các dịch vụ cho vay tiền qua app đối với các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống ngân hàng, công bố các app vay hợp pháp để người dân biết và xử lý app vay bất hợp pháp.

Đại diện Ngân hàng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh có ý kiến như: Khoản 5, Điều 3 đề nghị bổ sung thêm “Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch thanh toán, chuyển tiền, bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định”; đề nghị bỏ khoản 2, Điều 19 vì đối tượng báo cáo đương nhiên phải thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của luật; Khoản 6, Điều 28 đề nghị sửa lại như sau: “Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào”, vì không cần liệt kê các hình thức chuyển tiền….

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số ý kiến góp ý Luật phòng, chống rửa tiền như: Tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ và các quyền tài sản có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 105 Bộ Luật Dân sự quy định về khái niệm tài sản như sau: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng quy định tại hai văn bản quy phạm pháp luật có sự khác nhau, đề nghị làm rõ và có những quy định, cách hiểu thống nhất giữa các luật và bộ luật.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, định hướng hoá các tiêu chí, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bổ sung quy định tại Điều 28: Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý ghi nhận các ý kiến của đại biểu để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và có ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục