BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải cách Hành chính:

Tiết kiệm chi phí, thời gian nhờ ứng dụng chữ ký số, văn bản điện tử 

Cập nhật ngày: 02/06/2019 - 23:05

BTN - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước mang lại nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần thiết thực trong công tác cải cách hành chính hiện nay.

Công chức Văn phòng - Thống kê của UBND xã An Cơ, huyện Châu Thành xử lý văn bản trên phần mềm eGov.

Thời gian qua, Tây Ninh đã triển khai áp dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản Bkav eGovernment (gọi tắt là eGov) đến các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Hầu hết các văn bản đi, đến (trừ văn bản mật và các văn bản khác theo quy định phải ký giấy) đều phát hành liên thông trên phần mềm này.

Các văn bản điện tử được trao đổi, xử lý trên eGov được thực hiện nhanh chóng, thông tin chỉ đạo kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Cao La Kham, Phó Chủ tịch UBND xã An Cơ, huyện Châu Thành cho biết, việc thực hiện ký số, luân chuyển văn bản điện tử qua hệ thống văn phòng điện tử eGov giúp công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng uỷ, UBND xã kịp thời, hiệu quả hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí in ấn. Nhờ ký số, lãnh đạo xã có thể tranh thủ thời gian, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để duyệt, ký phát hành văn bản.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc tiếp nhận, đăng ký, trình và chuyển giao văn bản đi - đến được thực hiện theo quy trình xử lý văn bản trên hệ thống eGov đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong cách quản lý văn bản, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân trong quá trình thực hiện xử lý văn bản đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay. Việc lưu trữ văn bản điện tử trên hệ thống eGov cũng giúp việc tìm kiếm, tra cứu thực hiện một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.

Đối với việc thực hiện chữ ký số, Tây Ninh đã triển khai từ năm 2013 đến nay. Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã được triển khai cho 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã thực hiện ký số trên 7 loại văn bản quy định: công văn, báo cáo, kế hoạch, thông báo, giấy mời, lịch công tác, văn bản sao gửi để luân chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng.

File ký số được đóng gói, niêm phong, bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản ngay cả khi thực hiện tải từ mạng xuống máy tính. Việc ký số đang được thực hiện trên nhóm hệ thống văn bản gửi-nhận trên chính quyền điện tử và thực hiện ký xác thực hồ sơ giao dịch Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Thuế. Hướng tới, việc ký số sẽ được Tây Ninh tích hợp lên hệ thống “Một cửa liên thông” nhằm giúp trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được nhanh hơn.

Qua thực tế triển khai ký số cho thấy, ký số mang lại nhiều tiện lợi cho lãnh đạo vì không bị giới hạn về thời gian, không gian, kể cả trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài vẫn có thể duyệt, ký số văn bản điện tử. Nhờ đó, việc lãnh đạo, điều hành được thông suốt. Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong năm 2019, dự kiến sẽ cấp thêm từ 1.000 đến 1.500 thiết bị ký số chuyên dụng cho các trường học trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để tiến tới mục tiêu gửi văn bản điện tử không kèm văn bản giấy (trừ văn bản mật, một số trường hợp đặc thù) theo chỉ đạo của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo quy chế vận hành, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời triển khai nâng cấp phần mềm eGov để bảo đảm hạ tầng kỹ thuật kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Song song với thực hiện phần mềm eGov, thời gian qua, Tây Ninh cũng vận hành hiệu quả phần mềm “Họp không giấy” cho phép phát hành giấy mời họp, tài liệu họp dưới dạng số hoá thông qua mạng internet. Qua đó, giúp giảm rất nhiều chi phí in ấn, phát hành văn bản giấy như thư mời, tài liệu họp, cước phí bưu chính.

Tỉnh cũng đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC qua mạng xã hội Zalo, qua dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đây là những bước đi cần thiết để từng bước hiện đại hoá hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính không giấy tờ.

PHƯƠNG THUÝ