Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tìm đầu ra cho nông sản tại “tâm dịch”
Thứ sáu: 00:46 ngày 30/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðại diện Hội Nông dân huyện cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phối hợp cấp giấy thông hành qua mã QR cho các xe tải, Hội còn làm đầu mối tiếp nhận hàng hoá của nông dân, giúp việc tiêu thụ dễ dàng hơn.

Bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không thể bán được.

Dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Dương Minh Châu là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất ở Tây Ninh. Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, người dân huyện Dương Minh Châu được yêu cầu không ra khỏi địa bàn huyện; người dân từ các địa phương khác không được phép đi vào địa bàn huyện nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt. Do đó, thương lái ngoài tỉnh không còn đến địa phương để thu mua nông sản, khiến nhà nông lao đao.

Cày bỏ vì không bán được

Theo Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, hầu hết các địa phương trong huyện đều có nông sản bị ứ đọng, không tiêu thụ được. Nhiều vườn không bán được hoặc bán với số lượng rất ít. Trước thực trạng đó, các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể huyện Dương Minh Châu vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ, nhưng số lượng không đáng kể.

Hiện trên địa bàn huyện Dương Minh Châu còn hàng trăm tấn bắp nếp chưa thể tiêu thụ. Anh Võ Ngọc Phát, ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là có 22 ha trồng bắp nếp, với vốn đầu tư ban đầu là 550 triệu đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Phát không bán được nên cho một số công nhân, người dân gần đó đến bẻ bắp về ăn, đồng thời mang đến ủng hộ người dân trong khu cách ly.

Anh Phát chia sẻ, giá bắp được anh giảm xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg nhưng vẫn không có nơi tiêu thụ nên anh quyết định cày bỏ. Theo anh Phát: "Bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng chúng tôi không bán được; giá nhân công bẻ bắp lại quá cao, rất khó thuê.

Biết cày bỏ là lỗ rất nặng, nhưng không có ai mua nên tôi bỏ luôn. Tôi đã cày 10 ha, còn lại hơn 10 ha bắp, Hội Nông dân xã đề nghị giúp đỡ chúng tôi tìm đầu ra. Giờ tôi chỉ mong sao nhanh hết dịch để người dân yên tâm sản xuất, buôn bán".

Một nông dân trồng khổ qua gần đó cho biết, hiện nay, giá bán khổ qua khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng thương lái chỉ cân khoảng 200kg mỗi đợt từ 2-3 ngày. Trong khi đó, mỗi đợt nông dân thu hoạch gấp 2-3 lần số lượng thương lái cân, nên có thời điểm khổ qua bị bỏ hư tại ruộng.

Người chăn nuôi cũng đang điêu đứng vì giá gia cầm đồng loạt giảm. Không tìm được đầu ra nên người nuôi vẫn phải nuôi cầm chừng. Anh Ðặng Ðình Ðông, ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là cho biết, anh còn khoảng 500 con vịt đã quá ngày xuất bán nhưng không có nơi tiêu thụ.

“Ðợt này tôi thả 1.000 con vịt, đã quá lứa khoảng 10 ngày nhưng không tìm được đầu ra nên phải nuôi cầm chừng. Mỗi ngày, chi phí thức ăn cho đàn vịt khoảng 2 triệu đồng nhưng giá bán chỉ 100.000 đồng/con 3,5 - 4kg. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì nông dân chúng tôi lỗ nặng"- anh Ðông chia sẻ.

Tìm giải pháp “giải cứu” nông dân

Trên thực tế, việc nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhưng huyện Dương Minh Châu gặp khó khăn hơn hết, bởi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp hơn.

Ngay khi nhận được thông tin, các ban, ngành, đoàn thể huyện Dương Minh Châu đã tìm mọi biện pháp để giúp người dân tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh, Sở Giao thông Vận tải để cấp giấy thông hành đi vào luồng xanh qua mã QR cho các xe tải. Ðến ngày 26.7, Sở Giao thông Vận tải đã cấp giấy thông hành cho 26 xe tải, đồng thời đang hỗ trợ cấp giấy thông hành cho khoảng 30 xe.

Ðại diện Hội Nông dân huyện cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phối hợp cấp giấy thông hành qua mã QR cho các xe tải, Hội còn làm đầu mối tiếp nhận hàng hoá của nông dân, giúp việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Ðến nay, các xe được cấp giấy thông hành đã thu gom, vận chuyển hàng cho nông dân nhưng số lượng chưa nhiều vì thương lái thu mua còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang kết nối với các địa phương tiêu thụ nông sản nội tỉnh. Khi tìm được những đầu mối tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT sẽ thông tin cho Phòng Nông nghiệp huyện, kịp thời thông báo cho người dân đem sản phẩm tập trung tại các chốt kiểm tra phòng, chống dịch của huyện giáp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để thương lái đem đi tiêu thụ.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để hỗ trợ nông dân, trước mắt Sở thu thập thông tin từ phía nông dân đến các trang trại, sau đó gửi thông tin lên hệ thống thông tin quốc gia về cung cầu nông sản tìm đối tác tiêu thụ.

Bước đầu nhận được phản hồi từ phía Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đề xuất thu mua nông sản của tỉnh. "Chúng tôi đang kết nối với Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương để làm thủ tục cho những người có nhu cầu vào huyện Dương Minh Châu chở hàng. Chúng tôi đang đề xuất mở lại chợ đầu mối K13 để bà con nông dân có thể mang nông sản đến và trao đổi tại đó, nhưng phải bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục