BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tín đồ đạo Cao Đài tất bật chuẩn bị các hoạt động thiện nguyện 

Cập nhật ngày: 18/09/2024 - 05:10

BTNO - Hội Yến Diêu Trì Cung được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, là một trong các lễ lớn nhất của của đạo Cao Đài. Vào dịp này, tín đồ Cao Đài trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ đồng đạo trong và ngoài tỉnh quy tụ về Tòa Thánh dự Hội Yến, trở thành hình ảnh đẹp trong lòng du khách khi đến Tây Ninh.

Đông đảo tín đồ tôn giáo Cao Đài đến tham gia gói bánh dâng lễ.

Bánh mì chay tặng tín đồ từ Bếp Xóm nhà chồi

Gia đình chị Đinh Thị Bích Hiền (41 tuổi), ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành đã 11 năm làm bánh mì chay hỗ trợ các giáo hữu phụng sự Hội Yến Diêu Trì Cung và người dân, bá tánh thập phương đến Tòa Thánh dự lễ vào mỗi dịp rằm tháng 8 hàng năm. Việc làm ý nghĩa này đã trở thành truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Hàng năm, từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chị Hiền lại “khởi động” bếp ăn với việc vận động nguồn nhân lực thực hiện. Hơn 10 năm qua, nhiều người dân trong và ngoài địa phương biết đến địa điểm uy tín của gia đình chị nên chủ động gửi nguyên vật liệu như rau, củ quả, dầu ăn, gia vị ủng hộ bếp.

Ngày 12.8 âm lịch, bếp ăn bắt đầu hoạt động với công đoạn sơ chế rau, củ và từ ngày 13 – 15.8 âm lịch, bếp luôn đỏ lửa với 4 bếp xào nhân bánh. Mỗi ngày có khoảng 50 người cùng nhau làm bánh mì. Với sự chung tay, góp sức, năm nay, Bếp ăn Xóm nhà chồi làm ra hơn 4.500 ổ bánh mì chay gửi đến Tòa thánh hỗ trợ các giáo hữu trực lễ, cúng đàn, thành viên các đội múa lân tại Hội Yến cũng như phân phát cho tín đồ từ các tỉnh, thành đến dự Hội Yến đang tá túc tại Tòa Thánh.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, gia đình chị Hiền suy nghĩ nhiều cách để ổ bánh mì làm ra giữ được độ giòn và lâu bị hỏng hơn. Chị Hiền cho biết, để bánh làm ra được giòn, ngon, gia đình chị chú trọng khâu làm nhân. Thay vì xào như mọi khi, bếp ăn chọn cách chiên nhân rau củ bằng dầu và để ráo trước khi cho vào bánh mì. Nhân bánh sẽ được giữ khô ráo, không làm mềm bánh và giúp bánh lâu bị hỏng hơn. Chính sự tâm huyết này đã giúp gia đình chị làm ra những ổ bánh mì thơm ngon, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm được tín đồ gần xa biết đến.

Cặm cụi nấu bánh.

Chị Hiền chia sẻ, Bếp ăn được khởi xướng bởi mẹ chị, rồi các anh chị em chung tay tiếp nối. Đến hiện tại, cả 4 thế hệ trong gia đình chị đều góp sức để duy trì. “Mỗi năm, gần tới rằm Tháng 8, mọi người trong gia đình tôi đều nôn nao sắp xếp việc làm, việc học chuẩn bị làm bánh mì cúng Hội Yến. Việc làm bánh mì này đã là truyền thống của gia đình tôi, nơi đây cũng trở thành địa điểm để bà con chòm xóm, tín đồ gần xa cùng nhau làm công quả, thực hiện nếp sống tốt đẹp vừa phụng sự đạo vừa làm đẹp cho đời của tín đồ tôn giáo Cao Đài”.

Không chỉ lan tỏa tinh thần tốt đẹp của tín đồ tôn giáo Cao Đài, thông qua việc làm này, gia đình chị Hiền còn dạy con cháu trong nhà biết cách chia sẻ làm việc tốt, để các cháu hiểu và cùng tham gia giữ gìn truyền thống của gia đình. “Tôi rất vui và hạnh phúc, vì lan tỏa được tình đồng đạo của người dân Tây Ninh đến những đồng đạo ở xa, qua đó cũng dạy con cháu mình biết sống vì mọi người, biết cho đi và yêu thương mọi người”- chị Hiền nói.

Hàng ngàn chiếc bánh thành phẩm chuẩn bị dâng lễ.

Những chiếc bánh nhỏ mang tấm lòng to

Tại một căn nhà rộng rãi thuộc Phường IV, thành phố Tây Ninh, cứ đến 11.8 âm lịch, nhóm công quả của chị Dương Thị Tuyết Nga lại tất bật chuẩn bị gói bánh.

Mỗi đợt Hội Yến, theo lời kêu gọi của chị Tuyết Nga, nhiều người từ khắp nơi tìm đến để phục vụ. Mỗi người một việc, người lau lá, người vò nhân, gói bánh. Cánh đàn ông thì tất bật canh lửa nấu bánh. Ai ai cũng làm việc với niềm vui và tấm lòng muốn đóng góp làm điều tốt.

Chị Tuyết Nga cho biết, bánh sẽ được gói vào ngày 13 cho đến 14 rồi đem xây mâm dâng cúng lễ. Việc gói bánh đã được duy trì hàng chục năm qua do cha chị, một thành viên cơ sở Phước Thiện thuộc Tòa thánh Cao Đài khởi xướng. Đến nay, chị Tuyết Nga cùng các chị em duy trì, lan tỏa lòng tốt đến rất nhiều tín đồ đồng đạo. 

Các tín đồ vui vẻ vừa chuyện trò vừa làm bánh mì.

Ổ bánh mì chay đơn giản, thơm ngon.

Mỗi năm, đến dịp Hội yến là bà Dương Thị Kim Lệ (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành) sắp xếp việc nhà để đến gói bánh. Theo thời gian, bà Lệ đã trở thành một thành viên kỳ cựu, chỉ dạy cho những người mới đến tham gia. Bà Lệ nói: “Tôi cũng học từ những người lớn tuổi và bây giờ sẵn sàng chỉ dạy lại cho người trẻ, để sau này mình không còn tham gia nữa, vẫn có người duy trì việc làm ý nghĩa này”.

Từ xã Thạnh Tân, chị Hồ Thị Kim Loan không ngại đường xa, nhiều ngày liền đến trung tâm thành phố chuẩn bị lá để gói bánh. Chị cho biết, mình tham gia gói bánh cùng nhóm đã nhiều năm nay. Năm nào chị cũng đến vì thích không khí làm việc tại đây. “Mọi người đều vui vẻ làm việc với lòng thành. Tôi thấy việc làm này góp phần duy trì nét đẹp của tín đồ tôn giáo mình nên luôn sẵn sàng sắp xếp công việc tham gia vào mỗi dịp Rằm Tháng 8”.

Tất bật giao bánh mì hỗ trợ giáo hữu, tín đồ gần xa.

Theo chị Tuyết Nga, những ngày cao điểm, bếp làm bánh có thể có gần 80 người cùng đến gói bánh, bếp nấu bánh sẽ đỏ lửa đến tận đêm khuya, không khí rất tất bật rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội. Tất cả họ góp phần tạo nên nét đẹp thiện lành của những tín đồ Cao Đài.

Chị Tuyết Nga cho biết: “Như thường lệ, những chiếc bánh sau khi dâng cúng trong Hội Yến sẽ mang về Trai Đường phát quà nhi đồng, các họ đạo, khách thập phương. Tôi thấy đây là hoạt động đầy ý nghĩa của đạo Cao Đài mình. Những chiếc bánh truyền thống của dân tộc mình càng thêm giá trị với việc làm có ý nghĩa.

Và đối với người hành đạo hay tín đồ đạo Cao Đài chúng tôi, được đóng góp làm công quả là một việc rất hữu ích. Bánh sau khi hiến lễ cũng sẽ trở thành lộc mang đầy niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Hàng năm, tập hợp và tổ chức cho mọi người cùng làm việc ý nghĩa này tôi thấy rất vui vì góp phần giúp tín đồ thêm sống tốt đời đẹp đạo”.

Ngọc Bích – Vi Xuân