BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững 

Cập nhật ngày: 24/09/2019 - 16:10

BTNO - Ngày 23.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tại điểm cầu Tây Ninh, chủ trì hội nghị có ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh; cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện và thành phố.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tính đến ngày 31.8.2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 43,59% so với 31.12.2015. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (tỷ lệ 40,2%) so với 31.12.2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 9,7%/năm, với 6,6 triệu khách hàng, tập trung vào 9 chương trình tín dụng, gồm: Chương trình tín dụng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tín dụng đối với vùng khó khăn; chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 31.8.2019, thông qua sự phối hợp với chính quyền các địa phương, 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập 178.896 tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức hoạt động với 10.956 điểm giao dịch trên địa bàn thôn, ấp, bản, làng. Qua đó, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 775 ngàn lao động; 200 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xây dựng được trên 108 ngàn căn nhà cho hộ nghèo.

Chất lượng tín dụng CSXH tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH tính đến 31.8.2019 là 0,75% (nợ quá hạn là 0,42%, nợ khoanh 0,33%), trong đó có 4.515 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm 40%).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động tín dụng CSXH còn một số hạn chế, như nguồn lực thực hiện tín dụng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; chất lượng tín dụng chưa đồng đều; một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn còn cao; hạn mức tín dụng còn thấp, thời gian cho vay ngắn chưa đủ để các hộ gia đình có điều kiện thoát nghèo bền vững; công tác phối hợp giữa các tổ chức nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với Ngân hàng CSXH chưa thật sự gắn kết trong các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 1.687 tỷ đồng và Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên 100 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân trao giấy khen của TGĐ Ngân hàng CSXH cho tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này. Tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách, như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. MTTQ mở rộng cuộc vận động Vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Minh Dương