BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tín ngưỡng dân gian Tây Ninh- những con thuyền khác 

Cập nhật ngày: 11/04/2023 - 23:42

BTN - Vào ngày lễ vía Bà 23.3 âm lịch, thuyền được trang trí thêm lá buồm đỏ thắm, viết 4 chữ Hán vàng tươi.

Rước và thả thuyền trong lễ hội Sene Dolta ở chùa Khedol. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Ngoài loại thuyền “tống ôn” mà chúng ta đã biết trong nghi thức thả thuyền tại các ngôi đình Việt như: Cẩm An, Trường Tây và Trường Đông hay ở ngôi dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ tại Hảo Đước, ở các đình chùa, miếu mạo Tây Ninh vẫn còn thấy hình tượng con thuyền nhưng mang ý nghĩa khác.

Đấy là con thuyền trong các ngôi đền miếu thờ bà Thiên Hậu của người Hoa- một trong những vị thần do người Minh Hương đem theo từ quê hương bản quán. Bà Thiên Hậu, theo quan niệm của người Hoa, chính là vị nữ thần phù hộ người đi biển. Người Hoa từ lục địa đi ra nước ngoài lập nghiệp thời xưa chủ yếu bằng đường biển.

Do vậy, bà được thờ tự ở khắp các vùng miền- nhất là ở các nước Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (sách Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, 1999), thì: “Đối với người Việt Nam bộ, người ta cũng tin bà là nữ thần Thiên Y A Na hay Chúa xứ…”.

Tại ngôi miếu Thiên Hậu trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh, ở một vị trí trang trọng, trước và bên phải ban thờ chính, là mô hình con thuyền dài khoảng 1 mét. Thuyền được đóng bằng gỗ, kiểu một con tàu đi biển được sơn màu chủ đạo là màu đỏ, đặt tên giá gỗ cùng màu.

Vào ngày lễ vía Bà 23.3 âm lịch, thuyền được trang trí thêm lá buồm đỏ thắm, viết 4 chữ Hán vàng tươi. Trên mũi và lòng thuyền còn đặt thêm các đĩa trái cây, hoa tươi cùng một bát nhang. Con thuyền lúc này là một hình tượng trực quan, để người dân đến cúng liên hệ ngay đến công đức của Bà trong các chuyến viễn du mà tổ tiên của họ đã từng trải qua, đem đến cho họ một cuộc sống bình an của hôm nay và con cháu sau này. Con thuyền trong miếu Bà Thiên Hậu cũng như một đồ thờ không thể thiếu trong nghi lễ.

Hoặc là sự giao thoa văn hoá tiếp diễn; hoặc do sự “suy luận” tâm linh, nên ngày nay con thuyền như một đồ thờ tự này cũng xuất hiện trong miếu, đình Việt. Như ở dinh thờ Huỳnh Công Nghệ tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.

Ở đây không những có “thuyền tống ôn” để thả, tống tiễn quan ôn dịch bệnh ra đi sau khi lễ chính đã xong; mà có cả thuyền để thờ đặt cố định trong gian chính điện. Đó là hai chiếc thuyền rồng, cũng chỉ dài khoảng 1 mét, được làm bằng gỗ, đẽo tạc tạo hình đầu thuyền là đầu rồng, đuôi thuyền là đuôi rồng, có buồm, có mái che, gắn các hình nhân binh lính chèo thuyền ở hai bên.

Thuyền được sơn vẽ cầu kỳ đẹp mắt, gắn thêm bảng tên ghi rõ họ tên người phụng cúng. Điều này cho thấy thuyền chỉ là kết quả tự phát, do người dân dâng cúng. Như là một phương tiện để chở các ngài đi chơi (hoặc làm việc canh phòng) trên các tuyến sông rạch mà các ngài từng di chuyển khi xưa.

Kết quả của sự suy luận tâm linh này, tại dinh thờ này, có vẻ khá hợp lý khi dinh thờ nằm trên một bến sông đẹp tuyệt vời, cách không xa địa danh Bến Đá, từng làm nên tên gọi của sông Vịnh ngày xưa. Dòng sông như uốn cong lại trước dinh. Do vậy, Ban Hội dinh cũng xây hẳn một lối có bậc cấp để thuận tiện cho việc thả thuyền tống ôn vào trưa ngày 16.3 âm lịch.

Lại có những nơi, không gần sông rạch nào nhưng vẫn có thuyền do người dân phụng cúng. Đấy là trường hợp thuyền ở đền thờ thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Con thuyền ở đây khá lớn, chắc là cũng cùng một ý nghĩa là phục vụ “Quan lớn Đại thần” khi ngài du ngoạn hoặc hành binh trong cõi âm, theo quan niệm “trần sao âm vậy” của dân gian.

Một trường hợp khá đặc biệt là đình Bà ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Theo truyền thuyết thì đình thờ “Bảy Bà”. Nhưng Bảy Bà ở đây lại không phải là 7 bà ở một số vùng thuộc Tây Nam bộ như Cai Lậy, Cái Bè, Vĩnh Long, mà theo sách Đình Nam bộ xưa và nay thì đấy là “Bảy nàng tiên ở cung Diêu trì của Tây Vương mẫu”.

Theo tượng thờ có ghi danh tính hẳn hoi, thì 7 Bà ở đình Bà An Thạnh là: Bà Chúa xứ, Bà Thiên Hậu và 5 “Bà Ngũ hành” Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Rõ ràng, các bà ở đây rất gần gũi với tín ngưỡng của người Việt. Vậy mà, trong lễ cúng Kỳ yên dịp rằm tháng 2 âm lịch, người ta cũng chuẩn bị cho các bà (hoặc riêng cho Bà Thiên Hậu) một con thuyền.

Thuyền này được làm bằng giấy phết trên khung sườn tre, có cả một căn buồng có mái che, trên bong có gắn dây đèn, kết hoa, trang trí vẽ màu rực rỡ. Trong buồng có gắn các tượng nữ mặt hoa da phấn thường dùng là các búp bê. Con thuyền này sẽ được đốt đi (hoá) sau khi lễ cúng tế các bà đã hoàn tất. Hành động này có ý nghĩa là gửi thuyền xuống cõi âm cho các bà dùng.

Ông Lương Huệ Linh- nguyên quản lý miếu Thiên Hậu ở phường 2 cho biết, tục lệ “hoá” thuyền cho bà đã có từ xa xưa, tuy vậy đến nay, ở các miếu Bà Thiên Hậu Tây Ninh đã không còn nữa. Có lẽ chỉ còn ở các miếu vùng Bình Dương, Gia Định cũ mà thôi. Vậy mà, nó vẫn còn tồn tại ở một ngôi thờ tự dân gian của người Việt. Cũng là một tục lệ đẹp cần gìn giữ.

Những câu chuyện về tục lệ thả thuyền đã kể trên đều là của cộng đồng (làng, xã). Vậy mà ở Tây Ninh vẫn có ít ra là một nơi có lễ hội thả thuyền rầm rộ. Mà thuyền thả lại là của mỗi một gia đình. Trong một lễ hội lớn nhất nhì trong năm là lễ hội Dolta của người Khmer Nam bộ. Ở đây là cộng đồng Khmer ấp Tân Đông xã Thạnh Đông, thành phố Tây Ninh (còn gọi là xóm Khedol).

Lễ hội Dolta Khedol diễn ra vào 3 ngày cuối tháng 8 âm lịch. Vào ngày cuối cùng, mỗi nhà dân đều cử người đem cơm canh lên chùa làm lễ cúng. Mọi người cùng đem theo mô hình một con thuyền được làm sẵn ở nhà. Thuyền trước kia làm bằng bẹ cây chuối, dài rộng chỉ không quá 3-4 tấc.

Nay thì đã “hiện đại hoá” hơn với các loại thuyền làm bằng các tấm bọt xốp với các kích thước lớn hơn. Dù làm bằng gì, thì thuyền nào cũng được tạo hình thuyền rất đẹp, với cả mui, boong thuyền, chăng dây đèn, cắm cờ, cây nhang cùng rất nhiều trang trí bằng hoa tươi như bông sứ và bông cúc.

Trong buổi sáng ngày cuối lễ, thuyền được tập hợp về ngôi Sala sắp lớp bên nhau trên bệ ngồi, còn bà con ngồi dưới đất hướng về bàn thờ Phật. Tại đây, thuyền còn được kiểm tra, sắp xếp thêm cho đủ các món lễ vật.

Thường là gạo, muối, trái cây, bánh và cả tiền lẻ. Xong xuôi, các vị A Char chủ lễ sẽ tiến hành các nghi lễ để rước thuyền đi. Đoàn rước thuyền sẽ đi từ Sala, qua cổng chùa tiến ra đường Khedol- Suối Đá. A Char dẫn đầu, tay cầm bình bát, thẻ nhang, theo sau là đông đảo người lớn, trẻ em đem theo thuyền của nhà mình.

Tất cả đều phấn khích và vui vẻ. Đến nơi cách chùa khoảng 1 cây số, nơi có dòng suối chảy ngầm qua đường thì đây là chỗ thả thuyền. Không khí càng tưng bừng rộn ràng hơn khi thuyền được thả xuống, sắp lớp bên nhau bên hồ nước. Giữa không gian, trước mặt là dòng nước xiết, sau lưng là màu xanh óng ả của lúa vụ mùa, vài người lội ào xuống suối đẩy thuyền ra giữa dòng, trôi đi giữa đôi bờ xanh mướt.

Bà con Khmer gọi đây là lễ tiễn vong. Nghĩa là tiễn các ông bà và những người đã khuất ra đi, sau một mùa lễ trở về vui vầy cùng các thế hệ cháu, con. Dù chỉ là đưa tiễn vong linh người thân của mỗi gia đình, nhưng niềm vui, không khí lễ hội tưng bừng cũng không kém các nghi lễ thả thuyền tống ôn ở các ngôi đình Việt.

Trần Vũ