Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên cạnh phụng thờ tổ tiên, tổ nghiệp và niềm tin tôn giáo, người dân Tây Ninh còn thờ các vị gia thần nhằm tri ân và cầu sự bảo hộ của các vị thần cai quản vùng đất, bổn mạng nơi họ đang sinh sống.
Bàn thờ gia thần và bàn thờ tôn giáo trong gia đình đạo Cao Đài.
Đa số các gia đình ở Tây Ninh đều có bàn thờ Trời (còn gọi là bàn Thiên), được lập ở ngoài sân hay trước cửa nhà, là nơi gửi gắm những ước nguyện của con người đến đấng trời cao. Bàn Thiên ở Tây Ninh rất đơn giản, xưa chỉ là một cây cột gỗ cắm xuống giữa sân, trên đặt một tấm ván hoặc tấm gạch tàu; sau này để kiên cố hơn, người dân xây bàn Thiên bằng bê tông cốt thép. Nhiều nhà có thờ bài vị bằng tranh kiếng có nội dung “Thiên Quan Tứ Phước” (天官賜福).
Nhu cầu sinh học cơ bản của con người là ăn, từ đó cuộc sống được ban cho, được duy trì, chính vì vậy bếp lửa trong nhà là không gian quan trọng nhất. Bếp tượng trưng cho mái ấm gia đình. Do vậy nên ông Táo được tôn là “Đệ nhất gia chi chủ” có chức năng coi việc củi lửa và trách nhiệm thay mặt Trời giám sát công tội của thế nhân.
Ở Tây Ninh xưa hầu như nhà nào cũng có tran thờ ông Táo ở bếp hoặc nhà trên, nay nhiều gia đình không còn thờ ông Táo nhưng lệ đưa ông Táo chầu Trời ngày 23 tháng Chạp và rước về vào 30 tết vẫn còn gìn giữ.
Phần nhiều ở Tây Ninh thờ ông Táo với bài vị bằng tranh kiếng “Định Phước Táo Quân” (定福灶君). Một số gia đình thờ tranh kiếng ông Táo Trương Đan, tranh vẽ ông Táo mặc quan phục, ngồi trên ngai nghiêm nghị với khuôn mặt đen “thiết diện vô tư” và hai bộ hạ văn cầm ấn “Táo Quân”, võ cầm chuỳ hầu cận.
Trong dân gian có câu “Thổ Địa giữ nhà, Thổ Thần giữ đất”, qua đó cho thấy ông Địa là vị thần bản gia cai quản nhà cửa và đất đai trong khu vực nhà ở, song theo tín lý phồn thực đất sản sinh ra ngũ cốc, hoa màu, tức đem lại sự phồn vinh cho con người.
Khi kinh tế hàng hoá phát triển, các nhóm kinh doanh phi nông nghiệp có nhu cầu về một vị thần chuyên trách tiền bạc, và thế là thần Tài ra đời lấy hình tướng từ Thổ Địa Phước Đức Chánh Thần của người Hoa.
Ông Địa và thần Tài được thờ chung một tran thờ với ý niệm tương sinh của ngũ hành, thổ sinh kim tức đất đai sinh ra của cải lợi lộc. Việc thờ ông Địa còn có ý nghĩa nhắc nhở con người có lòng biết ơn, ý thức bảo vệ đất đai, môi trường nơi mình đang ở.
Ở Tây Ninh đa số các nhà thờ ông Địa, thần Tài trong tran thờ đặt trên nền nhà, tuỳ thuộc vào cách bố trí không gian và nội thất của ngôi nhà mà gia chủ thấy thuận tiện. Bên cạnh tượng thờ của hai ông còn có bài vị bằng tranh kiếng “Ngũ phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần” (五方五土龍神. 前後地主財神).
Bàn thờ ông Địa, thần Tài.
Số 5 thuộc hành thổ, thổ là đất nên việc thờ ông Địa gắn liền với con số 5 như thắp 5 cây nhang, cúng 5 chung nước. Hằng ngày, gia chủ nhang khói phụng thờ; không chờ đến ngày rằm hay đầu/cuối tháng mà ngày thường hoa trái, nhất là các món chuối, chè, cà phê, thuốc lá… lúc nào cũng đầy ắp dâng cúng trên tran thờ. Đặc biệt, vào mùng 10 tháng Giêng vía đất, người dân thường sắm sanh lễ vật cúng ông Địa, thần Tài, một số nhà có cúng món cá lóc nướng trui, rau lang luộc với mắm nêm để nhắc nhớ về thời khẩn hoang mở cõi.
Theo quan niệm dân gian, ông Địa rất linh thiêng, “hữu cầu tất ứng”, nhất là khi mất đồ vái ông phù hộ tìm được và trả lễ có khi chỉ một nải chuối. Mọi người còn cho rằng, tượng ông Địa đi ăn cắp nhà người khác về thờ mới linh, nên trước đây hay xảy ra việc mất tượng ông Địa.
Trong gia đình người Việt ở Tây Ninh, với những người đến tuổi trưởng thành thường thờ các vị thần độ mạng, mong cầu sự che chở, phù hộ từ các vị thần và trở thành niềm tin để có được bình an trong cuộc sống. Xưa các tổ của Phật giáo, các vị thầy Nho, thầy pháp lập ra bài kệ và dùng thiên can trên tuổi can - chi của người nam và người nữ để xác định vị thần độ mạng ở mọi người.
Với nam giới có bài kệ: “Giáp Ất thờ ông Quan Công (Quan Thánh Đế Quân), Bính Đinh cậu Quý (cậu Tài, cậu Quý) mới xong cửa nhà, Mậu Kỷ thờ Phật tại gia, Canh Tân số ấy thờ ngài Tử Vi, Nhâm Quý thì cũng thờ y (Tử Vi Đại Đế)”; hay ở chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu) trong bài kệ có một câu khác “Bính Đinh ông Táo mới xong cửa nhà” cho thấy, ở Tây Ninh ông Táo cũng được xem là vị thần độ mạng.
Đối với nữ giới có bài kệ: “Giáp Ất thờ bà Cửu Thiên (Cửu Thiên Huyền Nữ), Bính Đinh Chúa Ngọc (bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc) mới yên cửa nhà, Mậu Kỷ thờ Phật tại gia, Canh Tân số ấy thờ bà Lục Cung (bà Lục Cung Thánh Mẫu hay còn được biết đến là Thánh Anh La Sát), Nhâm Quý thì cũng thờ chung (Lục Cung Thánh Mẫu)”. Qua đây cho thấy tinh thần nhập thế của Phật giáo khi đưa việc thờ Phật vào hệ thống thần độ mạng cùng sự giao thoa văn hoá Việt - Hoa qua các vị thần.
Khi xưa, thờ thần độ mạng bằng bài vị được viết chữ Nho bằng mực tàu trên giấy hồng đơn, sau một năm thờ phụng giấy bị bạc màu, đến ngày 25 tết đưa ông bà, gia chủ lấy bài vị xuống hoá (đốt) và đến chùa nhờ các thầy hoặc ra chợ nhờ các thầy Nho viết lại bài vị mới đem về thờ.
Nhưng phần lớn các gia đình chuộng thờ bằng tranh kiếng vì có độ bền, dùng được nhiều năm, kiểu thức đẹp, đa dạng, có tranh chữ và tranh vẽ tượng hình. Về sau này có thêm tượng thờ bằng đất nung và nhiều chất liệu khác được tạo tác rất mỹ thuật. Tran thờ thần độ mạng được đặt với vị trí cao, trang trọng ở nhà trên.
“Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng” là câu nói quen thuộc trong dân gian, đây là những vị thần gần gũi, thân thiện và mang lại phước lành cho cư dân tại địa phương. Đến vùng đất Tây Ninh, nơi tồn tại những dạng thần đất sẵn có của người Khmer, lưu dân người Việt đã tiếp thu thần đất của chủ đất cũ.
Người Việt thờ ông Tà có thể một phần vì nể trọng thần đất của chủ đất cũ, một phần muốn được phù hộ cho cuộc sống của mình. Việc thờ ông Tà trong các gia đình ở Tây Ninh không nhiều, thờ ông Tà không thờ bên trong nhà mà lập miếu nhỏ ở trước sân nhà, thường là thờ vọng hoặc thờ cục đá; có nhà thờ bài vị bằng tranh kiếng được bán phổ biến ở các chợ với nội dung “Thập Nhị Thần Tà” (十二神邪).
Với những nhà theo nghiệp thầy pháp còn thờ các vị thần như Hoà Ôn Chúa Tướng, Ngũ Phương Tướng, Cố Tổ Quan Đại Thần, ông Hổ, binh gia… ở gia đình.
Thờ tự trong gia đình người Việt ở Tây Ninh xuất phát từ truyền thống dân tộc, con cháu noi theo ông bà ngày trước mà phụng thờ. Việc thờ tự trong gia đình rất được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, quan niệm rằng các vị thần linh, gia thần sẽ che chở, phù hộ cho người đi mở cõi cùng mưu cầu cuộc sống bình an, sung túc của cư dân xưa - nay đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá gia đình của người Việt ở Tây Ninh.
Phí Thành Phát