BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tính dân tộc và tính hiện đại - sức sống lâu bền trong âm nhạc

Cập nhật ngày: 08/04/2011 - 07:09

Liên hoan Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – khu vực phía Nam năm nay được tổ chức tại thành phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Liên hoan diễn ra trong những ngày thời tiết không thuận lợi, mưa gió, biển động, sóng to, nhưng vẫn hội tụ đông đảo với gần 270 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ các chi hội và đoàn nhạc sĩ của 23 tỉnh, thành phố trong khu vực. Chi hội nhạc sĩ Tây Ninh cử 3 nhạc sĩ: Nguyễn Đình Hồng, Lê Hoàng Minh, Trần Quang Cường và một ca sĩ Đăng Khoa tham dự.

Chi hội tỉnh Bình Định chào mừng bè bạn bằng những tiết mục âm nhạc khá đặc sắc của vùng “đất võ, trời văn”, từ những ca khúc phát triển theo làn điệu “Bài chòi” đến tiết mục trống võ Tây Sơn. Đoàn Tây Ninh cũng góp mặt với ca khúc “Sao anh không về” của nhạc sĩ Trần Quang Cường do Đăng Khoa biểu diễn – ca khúc nói lên sự đồng cảm với những người vợ mòn mỏi ngóng trông chồng về từ biển khơi trong cơn bão lũ của miền Trung ruột thịt.

Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan.

Việc định hướng trong sáng tạo âm nhạc của người nhạc sĩ để có những tác phẩm mới hoà nhập vào dòng chảy của cả nước trong thời kỳ mới – thời kỳ hội nhập và phát triển luôn là trọng tâm trong mỗi lần liên hoan âm nhạc. Hội thảo trong liên hoan lần này với đề tài “Tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc hiện nay” đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp khá sôi nổi. Đa số đều thống nhất tính dân tộc và tính hiện đại là một thể thống nhất quyết định sự sống còn lâu dài của bất cứ một tác phẩm âm nhạc nào. Tính dân tộc luôn chuyển tiếp, bổ sung qua các thời đại và luôn có tính hiện đại trong thời đại đó mà không mất đi tính địa phương, tính vùng miền trong tác phẩm âm nhạc. Như vậy cần thiết có sự đổi mới trong âm nhạc theo quy luật phát triển của xã hội đương đại. Hiện nay trong các trào lưu âm nhạc đã xuất hiện 2 khuynh hướng cực đoan: khuynh hướng thứ nhất là xem thường, bỏ qua bản sắc dân tộc trong tác phẩm, đưa đến tình trạng tác phẩm trở thành “cái đuôi” ngoại lai của một dân tộc khác. Khuynh hướng thứ hai, đối lập lại đó là bảo vệ, phát triển âm nhạc dân tộc, chống sự xâm lấn của các trào lưu âm nhạc hiện đại. Sự cực đoan này lại dẫn đến hậu quả là tác phẩm không thể hội nhập được với dòng chảy của âm nhạc đương đại mà chỉ đứng riêng lẻ trong “ốc đảo” tư duy và cảm thụ. Một ý kiến cho rằng trong âm nhạc “hiện đại” ngày nay thì “cái nhìn đã lấn át cái nghe” (mà nghe vốn là điều cơ bản đầu tiên của âm nhạc). Nhiều ý kiến đề nghị giống nhau cần phải có những ca khúc viết về tỉnh nhà với nét khái quát và cụ thể để được đa số nhân dân địa phương chấp nhận và truyền bá. Vì hiện nay trong cả nước rất ít bài viết về một địa phương cụ thể mà có sức sống lâu dài. Nên có nhiều phong trào khuyến khích nhạc sĩ địa phương – những người con gắn bó máu thịt với quê hương sáng tác những ca khúc về miền đất và con người nơi mình sinh sống.

Bài tham luận của giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã gây được nhiều sự chú ý với những cảnh báo về các hiện tượng của đời sống âm nhạc trước xu thế “toàn cầu hoá” hiện nay trên thế giới và ở nước ta. Hiện tượng thấy rõ nhất là sự xâm lấn của các nhạc cụ điện tử để trở thành sự đơn điệu trong phối khí của âm nhạc, trong khi bản thân âm nhạc có rất nhiều phong cách đệm và diễn ca. Trong 3 dòng âm nhạc cùng tồn tại: âm nhạc bác học (âm nhạc chuyên nghiệp), âm nhạc truyền thống (âm nhạc dân tộc) và âm nhạc đại chúng (âm nhạc giải trí, tiêu dùng) thì hiện đã xuất hiện trào lưu âm nhạc đại chúng có khuynh hướng đánh vào bản năng của thế hệ trẻ nên gây được sự hưởng ứng của đông đảo giới trẻ. Âm nhạc sẽ không có bản sắc văn hoá dân tộc nếu ở đâu, nước nào cũng tập trung khơi dậy bản năng của thế hệ trẻ. Chính trào lưu âm nhạc này sẽ “đe doạ” dòng âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc truyền thống (nhạc cụ điện tử lấn áp nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ tự nhiên). Từ đó tác phẩm sẽ không có “hộ chiếu” rõ ràng của bất cứ một dân tộc, một đất nước nào. Những cảnh báo này một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải coi trọng tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc trước xu thế hội nhập hiện nay.

Nhạc sĩ LHM

 

 


 
Liên kết hữu ích