Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc thực hiện tinh giản người hoạt động không chuyên trách là tất yếu nhằm hướng tới một bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa 12.
Sẽ sớm ban hành cơ chế hỗ trợ người nghỉ việc
Nghị định 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ, dân phố có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.6.2019. Thực hiện Nghị định này, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh phải giảm là khoảng 800 người (con số chưa tính công an viên các xã).
Thực hiện Nghị định 34, một số công chức xã sẽ kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách (Ảnh minh họa: Công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa của xã Tân Lập, huyện Tân Biên).
Việc tinh giản người hoạt động không chuyên trách hiện nay là vấn đề tất yếu, hướng tới mục tiêu một người có thể làm nhiều việc để tiết kiệm nhân lực và ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, khi chưa có Nghị định 34, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện lựa chọn nhân sự phù hợp để kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách.
Đi đầu là thành phố Tây Ninh với Đề án thí điểm tinh giản người hoạt động không chuyên trách giai đoạn 2017-2021. Từ việc phân công cán bộ công chức kiêm nhiệm, thành phố đã giảm từ 18 chức danh người hoạt động không chuyên trách (theo quy định tại Quyết định 66 của UBND tỉnh ngày 25.12.2013) xuống còn 11 chức danh.
Còn tại huyện Hòa Thành, một số xã cũng đã chủ động thực hiện việc này. Điển hình như xã Hiệp Tân bố trí Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy (UBKT), Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy kiêm Phó chủ nhiệm UBKT; xã Long Thành Bắc bố trí Phó chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm UBKT; xã Trường Đông bố trí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm UBKT, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy kiêm Cán bộ văn phòng Đảng ủy…
Mặc dù vậy, việc thực hiện tinh giản người hoạt động không chuyên trách cũng cần phải làm theo lộ trình, kèm theo đó là những cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ những người bị thôi việc.
Theo lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác Thanh niên (Sở Nội vụ), đối với cán bộ, công chức cấp xã khi giải quyết chính sách dôi dư sẽ áp dụng theo các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên các chính sách này không áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khó khăn cho địa phương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng lộ trình và cũng gây sự thiếu công bằng giữa những người cùng công tác một địa phương.
Hiện Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan.
Cựu chiến binh xã Tân Thành (Tân Châu) vận động người dân nâng cấp đường giao thông.
Đây là cơ sở để Sở Nội vụ tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong thời gian tới.
Nên để cấp xã chủ động sắp xếp cán bộ kiêm nhiệm
Thực tế cho thấy, ở mỗi chức danh cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở mỗi xã có một đặc điểm riêng, không giống nhau về trình độ, năng lực, hoàn cảnh. Bên cạnh đó, một số chức danh hội, đoàn thể phải thông qua đại hội, thực hiện theo điều lệ Hội, đoàn thể. Do đó, nhiều xã, phường, thị trấn đề nghị việc sắp xếp người kiêm nhiệm công việc người hoạt động không chuyên trách sau khi xử lý dôi dư theo Nghị định 34 nên giao cho từng địa phương tự chủ động quyết định.
Ông Lê Hữu Phúc- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) cho biết: Theo Nghị định 34, xã Tân Hưng dôi dư 9 người hoạt động không chuyên trách. Thực hiện tinh giản đội ngũ người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định 34, trước mắt xã cũng gặp khó khăn trong phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách và phân công nhiệm vụ cho những người không chuyên trách còn lại.
Cán bộ MTTQ xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) kiểm tra việc lắp đặt điện chiếu sáng ở ở ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh.
Hiện tại, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc diện dôi dư được chuyển sinh hoạt Đảng từ cơ quan về các ấp, góp phần tạo nguồn cho công tác Đảng, công tác vận động quần chúng ở ấp. Nhất là gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho cuộc bầu cử trưởng ấp/khu phố nhiệm kỳ 2019-2024 và Đại hội chi bộ ấp/khu phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Cũng theo ông Phúc, việc quản lý đội ngũ người hoạt động không chuyên trách của xã chủ yếu dựa trên hiệu quả công việc chứ không hành chính hóa (trừ bộ phận yêu cầu phải trực tại cơ quan). Bên cạnh tạo điều kiện về thời gian, xã cũng sắp xếp để họ học tập nâng cao trình độ, hoàn chỉnh bằng cấp và được vay vốn phát triển sản xuất nếu có nhu cầu.
Còn tại xã Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành), bà Trần Thúy Oanh- Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi thực hiện Nghị định 34 không tránh khỏi những tâm tư trong cán bộ công chức cũng như đội ngũ người hoạt động không chuyên trách của xã.
Xã hiện có 20 người hoạt động không chuyên trách, dôi dư 6 người so với quy định tại Nghị định 34. Thời gian qua, lãnh đạo xã cũng tích cực trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng người để trước hết làm tốt công tác tư tưởng, vận động những người không chuyên trách thực hiện theo chủ trương chung.
Đồng thời lựa chọn người có trình độ năng lực, kinh nghiệm công tác để sắp xếp thực hiện kiêm nhiệm công việc phù hợp với tình hình thực tế của xã. Xã cũng có hướng đưa những người hoạt động không chuyên trách về tham gia hoạt động tại ấp, có thể tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử trưởng ấp/khu phố năm 2019.
Tinh giản nhân sự, sắp xếp bộ máy dù ở cấp nào cũng là một việc khó bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng con người cụ thể. Do đó, làm tốt công tác tư tưởng và có cơ chế hỗ trợ nghỉ việc phù hợp đối với họ là việc hết sức cần thiết, cần làm tốt nhằm tạo sự đồng thuận xã hội đối với chủ trương chung của đất nước.
Phương Thuý