Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021:
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Thứ ba: 23:48 ngày 05/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tổ chức bộ máy các xã sáp nhập được sắp xếp, đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giảm đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo quản lý, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước.

Điện về nông thôn. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Chủ trương, chính sách pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Tây Ninh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Mặc dù không phải là địa phương thuộc diện phải thực hiện sáp nhập nhưng Tây Ninh đã chủ động rà soát và thực hiện phương án sắp xếp hai đơn vị hành chính cấp xã theo diện khuyến khích. Tỉnh cũng thực hiện sáp nhập một số ấp không đủ tiêu chuẩn về quy mô diện tích, dân số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm chi.

Thời điểm trước khi sắp xếp đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, 95 ĐVHC cấp xã; có 540 ấp, khu phố. Căn cứ các nghị quyết, quyết định của Trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê diện tích tự nhiên, quy mô dân số các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Kết quả rà soát, Tây Ninh không có ĐVHC nào thuộc diện sắp xếp theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Tuy nhiên, sau khi xem xét điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở, các yếu tố văn hoá xã hội, tôn giáo, dân tộc và được sự đồng thuận cao của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, Tây Ninh xây dựng phương án sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã theo diện “khuyến khích việc sáp nhập đơn vị hành chính”.

Cụ thể, tỉnh thực hiện sáp nhập xã Phước Lưu và xã Bình Thạnh (thị xã Trảng Bàng), cả hai ĐVHC này đều chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, xã Phước Lưu chưa bảo đảm tiêu chuẩn dân số. Việc sáp nhập thực hiện theo hướng giữ nguyên diện tích tự nhiên, dân số, cơ cấu tổ chức bộ máy của hai xã Phước Lưu, Bình Thạnh thành xã mới Phước Bình, được trên 99% cử tri hai xã thống nhất. Sau khi thành lập, xã Phước Bình có 10 ấp, diện tích tự nhiên 34,65km2 đạt tiêu chuẩn xã và quy mô dân số theo quy định.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng, xã Phước Lưu và Bình Thạnh có địa giới liền kề, truyền thống lịch sử văn hoá và kinh tế xã hội tương đồng, rất thuận lợi cho việc sáp nhập. Bên cạnh đó, xã Bình Thạnh là xã biên giới, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, sau khi sáp nhập xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi, mua bán hàng hoá với nước bạn.

Quy mô dân số, diện tích tự nhiên của ĐVHC mới lớn, đạt chuẩn sẽ tạo sức mạnh trong huy động nội lực xây dựng nông thôn mới, đủ điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, trước khi sáp nhập, xã Bình Thạnh là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; sau khi sáp nhập với xã Phước Lưu giúp phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan toả trong toàn xã mới.

Đồng thời, người dân xã Phước Lưu cũng sẽ được hưởng các chính sách của người dân xã biên giới. Trên thực tế sau khi thực hiện sáp nhập, được thị xã Trảng Bàng quan tâm đầu tư, năm 2021, xã Phước Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Diện mạo vùng nông thôn và đời sống người dân Phước Bình được nâng lên rõ nét. 

Theo báo cáo của HĐND tỉnh, thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 và các văn bản pháp luật có liên quan, giai đoạn 2019-2021, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, nghị quyết sáp nhập các ấp A1, A2, A4 và B1 thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu thành ấp Phước Lộc, do cả 4 ấp này không bảo đảm điều kiện về quy mô dân số, hộ gia đình theo quy định và có vị trí liền kề nhau; Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 4.10.2019 về sáp nhập xã Phước Lưu và Bình Thạnh để thành lập xã mới Phước Bình.

Trong năm 2020, HĐND tỉnh có các nghị quyết về việc sáp nhập ấp Phước Chánh vào ấp Phước Đông (xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu); sáp nhập ấp 2 và ấp 3 thành ấp Phước An và đổi tên ấp 1 thành ấp Phước Hưng thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành; sáp nhập ấp Tràm Cát vào các ấp: Phước Đông, Phước Hoà, Phước Bình, Phước Trung thuộc xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Như vậy, sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh có 94 xã, phường, thị trấn (giảm 1 xã), có 535 ấp, khu phố (giảm 6 ấp), giảm 21 cán bộ, công chức cấp xã và 18 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.

Trên cơ sở nhận thức rõ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ  máy của hệ thống chính trị, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, quy định pháp luật về nội dung này, được sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Tổ chức bộ máy các xã sáp nhập được sắp xếp, đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, giảm đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo quản lý, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước.

Hải Đăng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục