Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều gã si tình ghé vào quán uống ly nước, buông lời chọc ghẹo hay hứa hẹn tào lao mía lao. Cô chủ chỉ cười nhẹ và làm việc luôn tay mà miệng thì vẫn vui vẻ trả lời những điều khách thắc mắc.
1.La Cà là tên gọi cái quán nhỏ, tạm bợ nằm dưới tán cây xà cừ xoè rộng tán, ngay góc đường ở ngã ba. Một địa thế thuận lợi để buôn bán. Nơi tụ tập của cánh xe ôm, người đón xe liên tỉnh vô Nam và thỉnh thoảng là chốn dừng chân của mấy em gái xinh tươi nhưng lạm dụng hoá chất quá đà làm cho mái tóc xoăn nâu râu ngô, còn đôi môi sưng vều như quả dâu Tây mùa rớt giá. Họ thường ghé quán ăn mì đập thêm quả trứng gà. Bữa nào mưa lạnh thì họ không di chuyển mà tụm lại chí choé văng tục hay giũa móng tay, cà móng chân.
Tám Mảnh cũng là khách ruột của quán này. Gọi là Tám vì hắn là thứ tám trong số mười anh em cả trai lẫn gái. Chứ tên thật của hắn là gì không ai quan tâm. Còn cái biệt danh kèm theo sau thì có người rỉ tai rằng hắn từng là dân anh chị, bảo kê chợ, vào tù ra khám mấy lần. Một lần đang nhậu, bức xúc chuyện gì đấy, hắn tung chưởng đập vỡ mặt bàn thành tám mảnh. Hắn đáng gờm với dân anh chị một vùng, bọn chúng tôn hắn là đại ca.
Chủ quán La Cà là Yến, kèm sau là từ Chảnh. Yến Chảnh tầm ba mươi, dáng chuẩn như người mẫu mặt đẹp cỡ hoa hậu. Nhưng bà chủ trẻ có vẻ kiệm lời, chỉ có nụ cười hiền, đầy mê hoặc. Nhiều gã si tình ghé vào quán uống ly nước, buông lời chọc ghẹo hay hứa hẹn tào lao mía lao. Cô chủ chỉ cười nhẹ và làm việc luôn tay mà miệng thì vẫn vui vẻ trả lời những điều khách thắc mắc.
Yến Chảnh không phải là dân ở đây. Nghe bảo người miền trong, giọng nói nhẹ, dễ nghe, rất cảm tình. Nhiều người đoán già suy non rằng cô từng làm gái, lại là đàn chị dẫn dắt cả một bầy mắt xanh chân dài. Bị bắt vào trại thì thằng chồng hờ ôm hết tiền bạc dành dụm đi nuôi con khác. Quá uất ức, cô đã cho gã ta nửa lít axit rồi dạt ra ngoài này. Chuyện nghe qua nói về nên độ xác thực kém và lâu dần không ai để ý nữa.
Chỉ biết rằng hằng ngày Yến Chảnh vẫn mở của quán, kê mấy bộ bàn ghế ở vỉa hè và luôn tươi cười khi có khách vào. Mấy bà mấy cô trong xóm mến Yến Chảnh lắm. Họ đi chợ về thường ghé quán cô nói chuyện, hỏi thăm vài ba câu. Họp phụ nữ thôn hay triển khai chương trình gì liên quan, Yến đều đóng cửa quán tham gia đầy đủ.
Người ta đồn Tám Mảnh phải lòng Yến Chảnh. Hợp lý quá nếu không muốn nói là đẹp đôi. Lại thêm chưa ai bị ràng buộc, ngăn cấm. Nói thì nói vậy thôi chứ thấy hai người xa cách làm sao đấy. Họ ít nói chuyện với nhau. Có vẻ không mặn mà tiếp xúc. Tới quán, Tám Mảnh ngồi chỗ cũ, cái bàn đá bị mẻ một góc kê sát vách. Hắn gọi bao thuốc lá, mượn hộp quẹt, kêu đĩa khô mực hay đậu phụng rim và xị rượu trắng.
Chừng ấy và ngồi suốt buổi nếu không có khách gọi đi xe. Yến Chảnh lẳng lặng phục vụ, lâu lâu đưa mắt thăm dò người đàn ông chạy xe ôm ngày nào cũng mọc rễ ở quán mình. Sự xuất hiện dày đặc của Tám Mảnh, ban đầu, khách vãng lai có vẻ ngần ngại nhưng sau dần thành quen. Tám Mảnh không gây khó dễ với ai cả. Hắn vẫn lịch sự chào bằng nụ cười và cái gật đầu thân thiện...
2. Trong xóm có người chết. Bà Năm Tình bán trầu cau ở chợ, vừa qua tuổi bảy mươi. Bà Năm sống một mình đã lâu không thấy con cháu họ hàng gì cả. Căn nhà nhỏ nằm giữa khu vườn tương đối rộng ở cuối con đường quanh co. Trong nhà chỉ độc chiếc giường đơn, cái bàn thờ thấp ngày nào cũng ấm hơi nhang và một con chó già, lông rụng từng mảng.
Tám Mảnh nghe tin, qua nhà bà Năm sớm nhất. Hắn đôn đáo, lo liệu như thể bà là người thân của mình vậy. Yến Chảnh cũng đóng quán đến phụ dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Người cùng xóm đến rất đông. Rảnh việc thì tụm lại chiếc bàn kê vội ngoài sân bàn tán đủ chuyện.
Lúc ban tang lễ của thôn đến chuẩn bị khâm liệm thì xuất hiện một người đàn bà chừng ngoài bốn mươi. Người thấp đậm, có cặp mắt lá răm xếch ngược. Bà ném túi xách đánh uỵch trước thềm rồi ào vào nhà ôm lấy thi hài đã lạnh cứng của bà Năm mà khóc lóc, vật vã. Bà vừa khóc vừa than rằng phận gái lấy chồng lưu lạc xứ xa, chữ hiếu chưa tròn thì đã sinh ly tử biệt. Cứ thế bà ôm ghì bà Năm, tưởng chừng bao nhiêu xúc cảm dồn nén đều được dịp chảy tràn ra cả.
Người trong xóm xôn xao, nhìn nhau ngạc nhiên. Bởi từ lâu, có thấy mặt mũi người đàn bà tự xưng là con gái bà Năm này đâu. Bà Năm cũng chưa bao giờ nhắc về đứa con gái lấy chồng xa xứ cả. Bà sống giản dị, chan hoà với mọi người. Cô chủ quán La Cà quý mến bà lắm. Mỗi khi tan chợ, bà ngang qua quán, thế nào Yến Chảnh cũng hỏi thăm bà, nhiều hôm còn dúi cho bà chiếc bánh ngọt hay ly nước.
Thế nên, không ai tin người đàn bà đang đóng kịch kia. Ánh mắt lấm la lấm lét cùng điệu bộ khả nghi của bà ta không qua được sự theo dõi của Tám Mảnh và Yến Chảnh. Hai người chớp nhoáng bàn kế hoạch vạch mặt. Sau cái nháy mắt đầy hàm ý của Tám Mảnh, Yến đến bên người đàn bà đang nghẹn ngào, vỗ vai và rất nhẹ nhàng, chia sẻ:
-Chị ơi, em hiểu nỗi đau của một người khi mất đi người thân yêu. Bà Năm chắc cũng yên lòng, toại nguyện khi có người con gái hiếu thảo như chị.
Nói xong, không để người đàn bà phản ứng gì, Yến kéo tay bà ta đứng dậy. Đồng thời, Yến hất đầu ra hiệu cho Tám Mảnh. Hắn gật đầu, xách chiếc túi bước đi. Yến lại tiếp tục thủ thỉ:
-Chị đi đường xa chắc đã mệt, giờ em đưa chị về nhà em tắm rửa nghỉ ngơi cho lại sức nhé!
Người đàn bà cứ lắc đầu, tay bíu vào thành giường và miệng liên tục gào khóc. Khó khăn lắm Yến Chảnh mới dìu được cái thân hình sồ sề mà cứ oặt xuống của người đàn bà xa lạ kia.
3. Bữa làm cơm cúng năm mươi ngày, mọi người ai cũng “hú hồn” khi Yến Chảnh bật mí về danh tính người đàn bà ghê gớm ấy. Thì ra bà ta ở trên thành phố, hay xuống chợ buôn bán vặt vãnh sau khi bị phá sản do chơi lô đề. Gặp và bắt quen bà Năm khi bà Năm chẳng may trượt chân ngã ở lối đi trơn trượt. Thấy người phụ nữ đáng tuổi con mình tận tình giúp đỡ, chăm nom, bà Năm trút bầu tâm sự về nỗi cô đơn, hẩm hiu của mình. Sau khi dò hỏi được gia cảnh của bà Năm, người đàn bà âm mưu sẽ chiếm đoạt những gì bà Năm có, nhất là khi bà Năm qua đời. Tìm hiểu thì biết bà Năm cũng từng cho người đàn bà này vay năm triệu.
-Thật khốn nạn! Tám Mảnh buột miệng. Những người có mặt chép miệng, tỏ thái độ bực tức.
Yến Chảnh bảo đã nhờ bên công an điều tra thêm vì nghe đâu người đàn bà ấy còn dính líu vào đường dậy hụi hè, bị vỡ nợ nên bỏ trốn.
Mọi người lại xôn xao. Cũng may phát hiện sớm, chứ không người đàn bà ấy đã cuỗm mất tiền phúng viếng đặt trên bàn thờ hôm nọ.
4. Hai tháng sau. Đường thôn ngõ xóm được mở rộng nâng cấp. Quán La Cà cũng sửa sang lại. Tám Mảnh không rời Yến Chảnh nửa bước. Họ đã bén hơi nhau. Mấy cô đi chợ về ngang trêu tính nhanh lên còn cho tụi tui uống rượu mừng. Lúc ấy, Yến Chảnh đang lau lại mấy chiếc bàn, ngẩng lên tươi cười:
- Sắp rồi, chậm nhất là ra giêng mấy bác ạ!
Nói xong, liếc nhìn Tám Mảnh. Người đàn ông sắp qua tuổi trung niên cũng biết thẹn thùng, tay nọ xoa vai kia ấp úng...
Nắng đông hiếm hoi rọi xuống đường. Bóng lá xà cừ lọc từng giọt nắng chao nghiêng...
T.Đ.S