BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tình trạng trâu bò nhập lậu: Ngành Nông nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được quan tâm

Cập nhật ngày: 09/05/2010 - 10:39
HTML clipboard

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngành Thú y hiện chỉ kiểm soát được 10 đến 20% lượng trâu bò từ Camcuchia vào Tây Ninh

Sau loạt bài phản ánh về tình trạng bát nháo trong hoạt động mua bán, kiểm dịch trâu bò nhập khẩu ở các xã biên giới huyện Châu Thành và Tân Biên, Chi cục Thú y Tây Ninh có một số thông tin phản hồi về thực trạng kiểm soát dịch bệnh từ trâu bò nhập lậu trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Mấy-Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, từ giữa tháng 3.2010, Chi cục đã báo cáo Cục Thú y và UBND tỉnh về những khó khăn trong việc thực hiện Thông tư số 27/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, sau khi UBND tỉnh có Công văn số 2198/UBND ngày 24.8.2009 về việc chấp thuận chủ trương xây dựng khu cách ly-kiểm dịch nhập khẩu trâu bò sau thu gom tại tổ 11, ấp Bến Cầu, xã Biên Giới huyện Châu Thành và tại tổ 16 ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cho đến nay hoạt động mua gom trâu bò nhập khẩu vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực và bất cập.

Theo Chi cục Thú y Tây Ninh, tại cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên) và cửa khẩu Phước Tân (Châu Thành), Chi cục đã bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ biên giới Campuchia sang. “Hầu hết gia súc và gia cầm bên Campuchia không được tiêm phòng nên nguy cơ nhiễm bệnh hại là rất cao. Đây là một trong những nguồn bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm nội địa”, ông Mấy cho biết. Dù đã có 4 cơ sở cách ly-kiểm dịch (1 tại ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành và 3 cơ sở tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) nhưng trâu bò nhập lậu bằng đường tiểu ngạch vẫn chưa được kiểm soát, xử lý tốt.

Việc kiểm soát dịch bệnh đối với trâu bò nhập lậu từ Campuchia sang và việc ngăn chặn, xử lý buôn lậu chưa tốt trong thời gian qua do hai nguyên nhân chính: Đường biên giới quá dài (240 km) gây khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển trâu bò khu vực biên giới. Nguyên nhân thứ hai là do thủ tục nhập khẩu trâu bò tại các cửa khẩu chưa hoàn chỉnh, chưa có hướng dẫn cụ thể của Sở Công thương. Do đó, nhiều thương lái “chưa dám” đưa trâu bò nhập khẩu vào khu cách ly mà “đi lậu ra ngoài”. Đồng thời, ngành Thuế chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế nên các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc kinh doanh trâu bò khi đưa vào khu cách ly. “Hiện ngành Thú y chỉ kiểm soát được tối đa 20% lượng trâu bò nhập từ Campuchia vào Tây Ninh. Phần lớn còn lại thì “lưu thông tự do” bởi ngành không có đủ điều kiện và thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý toàn bộ trâu bò nhập lậu”, lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết.

Tại công văn ngày 15.3.2010, Chi cục Thú y kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan, công an… quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển trâu bò qua biên giới vào địa phương nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khu vực biên giới và bảo vệ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương; kiến nghị Sở Công thương và ngành Thuế hướng dẫn cụ thể về thủ tục nhập khẩu trâu bò và chính sách thuế cho các doanh nghiệp tại khu cách ly-kiểm dịch.

Ngày 16.3.2010, Sở NN&PTNT tổ chức cuộc họp “tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 27/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT”. Tại cuộc họp này, đại diện Sở Công thương cho biết, theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới và Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 2.7.2009 của UBND tỉnh Tây Ninh thì đồn biên phòng và UBND huyện “tổ chức quản lý việc trao đổi, mua, bán hàng hoá (kể cả trâu bò) của doanh nghiệp và cư dân biên giới”. Đại diện Cục Hải quan cũng khẳng định: “Những nơi không có hải quan thì bộ đội biên phòng có trách nhiệm thu thuế”.

Cuộc họp thống nhất: Các địa điểm trên tuyến biên giới chưa ký kết mở đường mòn, cửa khẩu với các huyện biên giới giáp Vương quốc Campuchia thì không được tổ chức mua bán, trao đổi. Việc mua, bán, trao đổi trâu bò của cư dân biên giới qua các cửa khẩu phụ phải làm bảng kê tại cửa khẩu phụ, có xác nhận của Trạm kiểm soát biên phòng và phải đi vào các địa điểm nuôi cách ly kiểm dịch trâu bò… Các ngành chức năng tạo điều kiện để các chủ hàng, doanh nghiệp thu gom trâu bò sau nhập khẩu, giúp cư dân biên giới trao đổi, mua bán thuận lợi; ngành Thú y quản lý được tình hình dịch bệnh gia súc, kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khu vực biên giới và bảo vệ ngành chăn nuôi gia súc ở địa phương…

Đến ngày 22.3.2010, Sở NN&PTNT Tây Ninh tiếp tục có công văn gửi Cục Thú y, kiến nghị Cục xem xét hỗ trợ địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh đối với trâu bò nhập khẩu từ Campuchia. “Cục Thú y cần tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp nhập trâu bò bằng con đường chính ngạch vào khu cách ly để ngành Thú y dễ quản lý tình hình dịch bệnh”.

Tuy nhiên, sau cuộc họp thống nhất kể trên, cũng như nhiều kiến nghị của ngành Nông nghiệp Tây Ninh, hoạt động buôn lậu trâu bò vùng biên giới vẫn tiếp diễn tình trạng xô bồ, bát nháo, bất chấp các quy định của pháp luật.

BẢO TÂM