Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tỉnh uỷ Tây Ninh: Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII
Thứ ba: 18:57 ngày 18/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, chiều 18.10, Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII đến 68 điểm cầu trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu hội trường Tỉnh uỷ

KINH TẾ PHỤC HỒI MẠNH MẼ

Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm khái quát một số nội dung chủ yếu, trọng tâm của Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Trung ương nhận định, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước ước cả năm vượt 14,3% dự toán; xuất khẩu tăng khoảng 9,5%.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm, nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hoá…

Từ những kết quả đạt được và hạn chế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022. Theo đó, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế để sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Theo dõi chặt chẽ, dự báo diễn biến chính sách tài khoá, tiền tệ của các nước lớn, là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; thường xuyên cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, hạn mức tín dụng, các cân đối lớn để chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả với điều hành chính sách tài khoá nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Thúc đẩy tăng thu ngân sách Nhà nước, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Trung ương yêu cầu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp phòng, chống dịch; chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm báo cáo những nội dung trọng tâm của Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII

QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Việc xây dựng và từng bước hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia cho từng thời kỳ phải dựa trên nguyên tắc: không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng được nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, từng bước làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Sau hơn 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được luận giải một cách đầy đủ và thuyết phục; ý thức chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; cơ chế bảo đảm vai trò chủ thể, quyền làm chủ của nhân dân, các quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước; tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

TỔNG KẾT 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 KHOÁ X

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trung ương nhận định, thời gian qua, Đảng luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Đảng đã thông qua cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế quan trọng liên quan đến phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trung ương nhìn nhận, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X còn một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa tạo được thống nhất trong thực hiện một số chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương mới; việc đổi mới phương thức chưa thật đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng.

Hội nghị Trung ương 6, khoá XIII cũng xem xét, cho ý kiến, quyết định một số vấn đề về công tác cán bộ.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục