BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổ chức Công đoàn còn mang nặng tính hành chính (*)

Cập nhật ngày: 20/11/2011 - 01:11

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chiều ngày 16.11 các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công đoàn năm 1990. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dung cụ thể sau:

Về địa vị pháp lý của Công đoàn, các vị ĐBQH đề nghị cân nhắc để quy định tại Điều 1 của dự thảo luật phù hợp với quy định tại Điều 10 của Hiến pháp năm 1992: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Quy định như thế công đoàn cùng với các chủ thể khác thực hiện việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ không phải chỉ thực hiện chức năng đại diện người lao động một cách độc lập và duy nhất như quy định của dự thảo luật.

Các đại biểu tán thành quy định của dự thảo luật (Điều 5) về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài ở Việt Nam; nhưng cần phải có quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện và cơ chế cụ thể để lao động là người nước ngoài thực hiện quyền này.

Các vị ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh thảo luận tại tổ

Về số lượng lao động tối thiểu để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở (Điều 6), có ý kiến tán thành phương án 1 quy định số lượng lao động đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là từ 20 lao động trở lên như quy định tại Điều 6 của dự thảo luật. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm vì theo quy định tại Điều 16 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành thì công đoàn cơ sở được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khi có 5 đoàn viên trở lên, đối với nghiệp đoàn khi có 10 đoàn viên trở lên.

Về hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp công đoàn (Điều 8), dự thảo luật quy định hệ thống công đoàn được tổ chức các cấp cơ bản là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn; các đại biểu đồng tình với ý kiến thẩm tra Uỷ ban pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm việc tổ chức các cấp công đoàn như hiện nay với nhiều cấp trung gian, quan hệ giữa các cấp mang nặng tính hành chính, cấp trên – cấp dưới là chưa phù hợp với chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay, chưa phù hợp với yêu cầu không hành chính hoá tổ chức và hoạt động công đoàn. Mặc dù, hệ thống tổ chức và hoạt động của công đoàn chủ yếu được quy định trong Điều lệ Công đoàn, nhưng trong luật này cần quy định bảo đảm tính tương thích với các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời thu hút người lao động gắn bó với công đoàn và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động.

 Về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp (Điều 17); Theo Tờ trình thì giữa dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chưa có sự thống nhất về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp có từ 300 hay 500 lao động trở lên; có đại biểu đề nghị bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp có từ 300 và tăng thêm số cán bộ công đoàn làm chuyên trách.

 Về tài chính công đoàn, theo Khoản 2 Điều 26 của dự thảo luật thì một trong những nguồn thu hình thành tài chính công đoàn là “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”; các đại biểu tán thành với quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết phải quy định kinh phí bảo đảm cho công đoàn tổ chức và hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động và tán thành như quy định của dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình: Mức đóng góp nên theo lương cơ bản hay lương thực trả? Căn cứ nào để quy định mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động? Tại sao hiện nay các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam thu 2% tổng quỹ lương, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu 1%?

DUY QUANG

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt