Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh:
Tổ chức Hội nghị Tổng kết các Dự án Hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015 – 2020
Thứ tư: 07:59 ngày 27/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.1, tại Khách sạn Sunrise (Thành phố Tây Ninh), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết các Dự án Hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015 – 2020.

Bà Võ Thanh Thuỷ - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị, đại diện cơ quan chức năng tại địa phương có bà Võ Thanh Thuỷ-Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Hữu Ngân–Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Lương Minh Trí–Phó Giám đốc Sở Tài  chính; ông Trần Văn Sỹ-Phó Giám đốc Sở Y tế cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đến người khuyết tật; các phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các CLB Người khuyết tật các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Về phía đơn vị tài trợ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam có bà Ritu Tariyal–Giám đốc Phòng Phát triển và Môi trường; bà Nguyễn Thị Hoa Lê – Cán bộ phụ trách các dự án USAID tại Tây Ninh. Về các đơn vị tổ chức triển khai dự án có bà Mai Thị Kim Hoàng – Điều phối viên Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam tại Tây Ninh (VNAH); ông Lê Quang Dương – Giám đốc Tổ chức Việt Health và ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Tổ chức DRD Việt Nam (Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Việt Nam).

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các đơn vị triển khai báo cáo kết quả triển khai dự án qua 5 năm thực hiện, từ 2016 - 2020. Sau 5 năm thực hiện, dự án đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế, hưởng chế độ giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật (NKT) và giúp người khuyết tật nâng cao nhận thức, hoà nhập với cộng đồng.

 Ông Lê Quang Dương – Giám đốc Tổ chức Việt Health báo cáo kết quả thực hiện Dự án tăng cương năng lực,mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được 3 đơn vị tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận triển khai thực hiện với 3 dự án hỗ trợ người khuyết tật: Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) – Dự án Direct (Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật), Trung tâm phát triển sức khoẻ bền vững (Viet Health) với dự án Distinct, tăng cương năng lực,mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật và Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Việt Nam (DRD) với Dự án Tiếp cận vì sự hoà nhập của người khuyết tật và Dự án tiếp cận cho mọi người.

Về Dự án Direct, Tổ chức VNAH đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất, cung cấp thiết bị PHCN cho các cở sở PHCN; xây dựng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) và hỗ trợ trực tiếp cho NKT với kinh phí hơn 19 tỷ đồng.

Cụ thể, chương trình đã tiến hành khám, điều trị liên tục về phục hồi chức năng cho hơn 2300 NKT; cung cấp dụng cụ trợ giúp (bao gồm xe lăn, xe lắc, chân tay giả, ghế vệ sinh, giường đặc biệt cho NKT, khung đi,…); mua thẻ bảo hiểm y tế, xây/sửa nhà vệ sinh;… cho NKT; cung cấp trang thiết cho 13 đơn vị PHCN, trong đó có 10 khoa/khoa ghép vật lý trị liệu/PHCN được thành lập mới.

Chương trình Direct phối hợp các cơ quan chức năng, trung tâm đào tạo y tế đào tạo nguồn nhân lực về PHCN cho tỉnh Tây Ninh. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã giúp tỉnh Tây Ninh tăng 950% nhân lực về PHCN. Trong đó, chương trình hỗ trợ 31 bác sĩ, 43 kỹ thuật viên được đào tạo mới, đủ tiêu chuẩn thực hiện PHCN, cung cấp dịch vụ PHCN và 98 cán bộ cơ sở được đào tạo kiến thức PHCN làm đầu mối về PHCN tuyến xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho hơn 1.200 cán bộ y tế, cơ sở xã hội, người chăm sóc về kỹ năng hỗ trợ, chăm sóc NKT và bình đẳng giới.

Bà Ritu Tariyal – Giám đốc Phòng Phát triển và Môi trường, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện Dự án Hỗ trợ người khuyết tật tại tỉnh Tây Ninh.

Qua các trợ giúp của Dự án, nhiều NKT trên địa bàn tỉnh có thể di chuyển, đi lại thuận lợi và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày tốt hơn. Đối với những NKT đặc biệt nặng, nằm tại nhà, việc hỗ trợ của VNAH đã giúp gia đình giảm nhẹ gánh nặng trong việc chăm sóc, cải thiện sức khoẻ của NKT, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và cải thiện vệ sinh môi trường sống của NKT và gia đình.

Song song đó, Dự án Distinct được Tổ chức Viet Health triển khai nhằm tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật. Qua dự án, trẻ em khuyết tật được kiểm tra sàng lọc, đánh giá năng lực sự phát triển để có thể can thiệp sớm.

Trong đó, Dự án có nhiều hoạt động tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ về phát hiện sớm, can thiệp sớm (PHS/CTS) cho trẻ từ 0 – 6 tuổi cán bộ 3 ngành Y tế, Giáo dục và Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng về khuyết tật trẻ em và mô hình PHS/CTS thông qua các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức về khuyết tật trẻ em cho phụ huynh, tập huấn về giới và bạo lực trên cơ sở giới; thông qua hoạt động truyền thông được thể hiện qua các tấm gương, câu chuyện thành công trong cộng đồng trên các phương tiện truyền thông báo chí, truyền hình.

Ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá về những thành tựu về dịch vụ cho NKT do Dự án đem lại cho tỉnh Tây Ninh.

Tiếp đó, Dự án triển khai thành công mô hình PHS/CTS cho trẻ em từ 0 – 6 tuổi. Dự án đã phối hợp với các sở, ngành tại địa phương thực hiện sàng lọc và khám/đánh giá tập trung trẻ có dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có hơn 2.200 trẻ chỉ định can thiệp và hưởng các dịch vụ của dự án.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã thực hiện cung cấp dịch vụ PHS/CTS trên toàn bộ 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Qua đó mạng lưới cung cấp dịch vụ và trị liệu cho trẻ khuyết tật được củng cố và tăng cường; các cơ quan chức năng được hỗ trợ làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình; phụ huynh/người chăm sóc trẻ được hỗ trợ tâm lý, kiến thức giúp trẻ tự tập luyện và can thiệp tại nhà.

Đặc biệt, để NKT hoà nhập với xã hội, Dự án Tiếp cận cho mọi người đã được đơn vị Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Việt Nam (DRD) triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng như: tập huấn về bình đẳng và hoà nhập, kỹ năng giao tiếp, tiếp cận, vận động nguồn lực, chính sách,… cho NKT, giúp NKT vượt qua rào cản giao tiếp, giao tiếp một cách hiệu quả; tập huấn kỹ năng làm việc với NKT; tăng cường đào tạo năng lực, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT; xây dựng công trình công cộng cho NKT;… Qua đó giúp NKT tăng cường cơ hội sử dụng dịch vụ xã hội, để họ có thể tiếp cận đầy đủ và có thể đóng góp cho xã hội như những người không khuyết tật.

Ngoài ra, để tập họp NKT và tạo điều kiện nâng cao vai trò NKT, góp phần gắn kết mối quan hệ của NKT, xoá bỏ rào cản, tự ti và khuyến khích NKT hoà nhập cộng đồng, Dự án đã phối hợp vận động và thành lập 9 câu lạc bộ của NKT tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, hoạt động và năng lực của các cLB đã đi vào ổn định và phát triển.

Phát biểu về những kết quả tích cực Dự án Hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đem lại, bà Võ Thanh Thuỷ - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định đây là thành công rất lớn và đem lại sự phát triển vượt bậc về mặt thể chất lẫn nhận thức của NKT trên địa bàn tỉnh, giúp NKT hoà nhập tốt với cộng đồng và có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Dự án thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng và những người được hưởng lợi, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020 và Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, bà Ritu Tariyal – Giám đốc Phòng Phát triển và Môi trường, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các sở, ban ngành tại Tây Ninh đã phối hợp nhiệt tình trong việc thực hiện dự án.

Tây Ninh là mô hình thực hiện dự án hỗ trợ NKT điển hình tại Việt Nam, là 1 trong 8 tỉnh mục tiêu bị ảnh hưởng bởi Chất độc Da Cam. Sau 5 năm thực hiện, bà rất vui mừng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của các cơ sở y tế về PHCN tại địa phương, kể cả về kỹ thuật lẫn cơ sở vật chất.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc hỗ trợ Dự án.

Bên cạnh đó, địa phương chú trọng thực hiện các chính sách chăm lo, hỗ trợ cho NKT. Các dịch vụ được duy trì và phát triển, nhất là các dịch vụ PHCN. Bà hy vọng sẽ tiếp tục được phối hợp lâu dài với tỉnh Tây Ninh trong việc hỗ trợ NKT can thiệp về sức khoẻ, giáo dục, giúp NKT hoà nhập với cộng đồng.

Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động trợ giúp NKT với các nội dung: Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ PHCN đa ngành (vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, trị liệu và âm ngữ trị liệu) tại các cơ sở y tế; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về PHCN, PHS/CTS để có thể cung cấp dịch vụ chất lượng hơn; Tiếp tục hoạt động hỗ trợ trực tiếp, gồm điều trị PHCN, cung cấp dụng cụ trợ giúp và xây sửa nhà vệ sinh cho NKT và Hỗ trợ xây dựng và tăng cường thực thi các chính sách, kế hoạch hàng năm về hỗ trợ NKT, PHCN, về bảo hiểm y tế chi trả cho dịch vụ PHCN.

UBND tỉnh trao khen thưởng cho các tập thể có thành tích trong việc tổ chức, triển khai dự án.

Dịp này, UBND tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện, triển khai Dự án Hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015 – 2020.

Ngọc Bích

 

Tin cùng chuyên mục