Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 8.7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch Covid - 19 với các tỉnh Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ y tế - Trần Văn Thuấn chủ trì.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Văn Cường báo cáo tình hình dịch bệnh của tỉnh Tây Ninh tại hội nghị.
Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu Tây Ninh có ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Sở Y tế tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh.
Tại hội nghi, các tỉnh báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn mỗi tỉnh. Theo thông tin tại hội nghị, hầu hết các tỉnh tham dự cuộc họp đều có ca mắc Covid – 19 trong cộng đồng. Trong đó, tỉnh Bình Dương là địa phương có số ca mắc nhiều nhất.
Các tỉnh cũng đã đồng loạt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo cùa Bộ Y tế và tình hình thực tế tại từng địa phương. Trong đó tập trung kiểm soát nguồn lây từ các tỉnh, thành khác tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, triển khai công tác khoanh vùng, rà soát, truy vết các đối tượng liên quan đến ca mắc trong cộng đồng; tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng và tăng cường giám sát người cách ly tại nhà. Đồng thời cố gắng nỗ lực nâng cao năng lực điều trị, nâng lực xét nghiệm và lên kịch bản xây dựng bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Tại hội nghị, các tỉnh nêu lên những khó khăn trong công tác nâng cao năng lực xét nghiệm, khó khăn trong việc trang bị các trang thiết bị hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Và đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục mua sắm trang thiết bị, vật phẩm y tế và hỗ trợ các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch.
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm soát biên giới để chống xuất, nhập cảnh trái phép; kiểm soát chặt chẽ khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân từ các tỉnh lân cận đi đến làm việc tại các khu công nghiệp, nhất là từ Long An và thành phố Hồ Chí Mính.
Quản lý chặt những người từ các tỉnh khác đặc biệt là từ các vùng dịch được bộ y tế công bố, về địa phương cư ngụ. Truy vết nhanh, khoanh vùng kịp thời, đặc biệt là trong các khu công nghiệp có xuất hiện ca dương tính, truy vết và cách ly nhanh để tách nguồn lây. Tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm.
Khó khăn của Tây Ninh là năng lực xét nghiệm còn nhiều hạn chế so với các tỉnh, thành trong khu vực, nguồn test kháng nguyên không có nhiều, sinh phẩm chạy Real Time-PCR; môi trường chuyển mẫu và bảo toàn mẫu. Khó khăn từ việc tiếp nhận người nhập cảnh từ nước bạn Campuchia với tỷ lệ dương tính trong nhóm này rất cao. Hơn nữa có sự xuất hiện các ca dương tính nhưng không xác định được nguồn lây cũng là thách thức trong công tác phòng chống dịch của tỉnh.
Đề nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ, trang bị cho tỉnh hệ thống PCR, nguồn test kháng nguyên, sinh phẩm PCR, đồ phòng hộ.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của các tỉnh. Theo Thứ trưởng, thời gian TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vào 0 giờ ngày 9/7 sẽ giúp cho các tỉnh giảm nguy cơ lây lan dịch từ TP.HCM. Đồng thời nhận định đây chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh lân cận TP.HCM triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.
Trong đó việc tiếp nhận công dân từ các tỉnh, thành có dịch về địa phương phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SAR – Cov – 2 trong vòng 72 giờ là điều cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết sẽ giao các Cục, Vụ xem xét điều chỉnh khung giờ có hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để đảm bảo sự an toàn cho người dân và giúp các tỉnh ngăn chăn được nguồn lây từ các đối tượng trở về từ vùng dịch.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh cần áp dụng, triển khai tốt biện pháp kiểm soát các nguồn lây vào tỉnh. Nếu không đủ lực lượng, Bộ Y tế sẽ đề nghị các lực lượng y tế tại tại các tỉnh, thành lân cận hoặc các lực lượng y tế ở khu vực miền Trung và miền Bắc hỗ trợ các tỉnh, thành miền Nam khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Về vấn đề trang trị trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chủ động tăng cường 4 tại chỗ, vận động các nguồn lực để trang bị thêm các thiết bị y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm, điều trị, vật dụng phòng dịch. Bộ y tế sẽ hỗ trợ các tỉnh trong việc kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ các vật tu y tế, test nhanh kháng nguyên.
Đối với khu vực Khu công nghiệp, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh yêu cầu các khu công nghiệp phải đánh giá công tác phòng, chống dịch theo bảng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đề nghị các tỉnh tăng cường vai trò tổ Covid cộng đồng tại các khu công nghiệp để tăng cường công tác rà soát, truy vết, giám sát người cách ly.
Quang cảnh cuộc họp.
Các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu cần tăng cường xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tăng cường kiểm soát các khu vực biên giới.
Riêng tỉnh Đồng Nai, Bộ Y tế đề nghị tỉnh cần cân nhắc, xem xét trước khi áp dụng Chỉ thị 16 tại địa phương. Trong đó cần có đánh giá tình hình dịch bệnh ở các xã, phường, huyện, thị, thành phố cụ thể để có phương án áp dụng phù hợp.
Về công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Riêng tỉnh Đồng Nai, Bộ Y tế yêu cầu tỉnh cần có kế hoạch cụ thể thành lập bệnh viện dã chiến để có thể kịp thời hỗ trợ TP.HCM nếu TP.HCM có sự cố nặng nề hơn xảy ra. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần nâng cao công tác điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế, cần thiết lập khu hồi sức hỗ trợ công tác điều trị.
Về công tác tiêm phòng , Bộ Y tế cho biết, vào tháng 8.2021, dự kiến có khoảng 22 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Bộ Y tế sẽ kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho các khu vực có đông dân cư đang có tình trạng dịch diễn biến phức tạp, các tỉnh có nguy cơ cao, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ nhập một nguồn vắc xin tương đối lớn, Bộ Y tế sẽ lên kế hoạch phân bổ vắc xin tổng thể đến các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ngọc Bích