Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
UBMTTQVN tỉnh:
Tổ chức phản biện xã hội về dự thảo Nghị quyết giảm nghèo
Thứ năm: 14:29 ngày 22/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 19.3, UBMTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội “Dự thảo Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020” (gọi tắt là dự thảo).

Luật sư Nguyễn Văn Re phát biểu tại hội nghị.

Tham dự có ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo) cùng lãnh đạo một số cơ quan, hiệp hội trong tỉnh.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Ân trình bày tóm tắt nội dung dự thảo, trong đó đề ra một số dự án chăn nuôi, trồng trọt với tinh thần giúp những hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên xét duyệt và số tiền hỗ trợ nhiều hơn.

Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến phản biện. Luật sư Nguyễn Văn Re cho rằng, không cần thiết phải phân biệt đối tượng nghèo giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, chỉ cần ưu tiên xét duyệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, còn việc được tiền hỗ trợ nhiều hơn là không phù hợp, vì cả hai đối tượng này đều nghèo như nhau.

Luật sư Re còn cho biết, vừa qua, ông cùng với đoàn lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh đến khảo sát những dự án hỗ trợ người nghèo trước đây ở xã Tân Ðông, huyện Tân Châu. Qua thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người nghèo 14-15 triệu đồng/hộ không thể giúp họ thoát nghèo bền vững, vì số tiền này quá ít và lâu lâu mới có dự án hỗ trợ một lần.

Từ đó, ông Re đề xuất, dự án này không hỗ trợ người nghèo theo kiểu dàn trải như trước, mà dồn số tiền lại ưu tiên cho một số hộ quá nghèo, các hộ còn lại chờ dự án hỗ trợ người nghèo năm sau. “Thà ít mà những hộ nghèo được hỗ trợ sẽ thoát nghèo bền vững, còn hơn là để họ bị tái nghèo”- luật sư nhấn mạnh.

Theo Luật gia Phí Công Ðại- Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, dự thảo quá ngắn gọn, trong đó chỉ đề ra mức chi tiền cho người nghèo mà không đề ra phương án thực hiện.

Ông đề nghị Sở NN&PTNT bổ sung khoản kinh phí quản lý, theo dõi dự án, chứ không thể lấy kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện. “Ở tỉnh Lai Châu, quy định mức chi kinh phí quản lý và xây dựng dự án không quá 5% tổng số tiền thực hiện”- ông Ðại dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH cho hay, đây là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ, số tiền hỗ trợ cho người nghèo không hoàn lại, vì vậy, nếu dự thảo đưa ra mức hỗ trợ quá cao, tỉnh sẽ không đáp ứng nổi.

Ông Quá đề nghị: “Chỉ nên hỗ trợ số tiền tương đối, còn lại người nghèo tự góp vào làm vốn đối ứng”. Ngoài ra, ông Quá còn đề xuất, mỗi dự án chăn nuôi hay trồng trọt, ít nhất phải có 2/3 số hộ đồng ý mới được triển khai. Các hộ đồng ý tham gia phải có cam kết sẽ thoát nghèo, nếu không thì không cho tham gia.

Bà Dương Thị Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, vấn đề quan trọng là ở đơn vị tham mưu, làm sao cho những dự án này đạt hiệu quả. Vì trên thực tế, có một số hộ không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ.

Dự thảo phải đả thông được tư tưởng của người dân. Họ phải hiểu rằng Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người nghèo “cần câu” để họ tự câu cá, chứ không phải cho con cá để họ chỉ biết ăn mà không biết nỗ lực đi câu...

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, sẽ tổng hợp những ý kiến phản biện để trình Thường trực UBMTTQVN tỉnh.

Ðại Dương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục