Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực là hình thức giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND).
Theo đó, những vấn đề bức xúc mới nổi lên hoặc những vấn đề tồn tại, dây dưa kéo dài ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân được đưa ra để người có trách nhiệm giải trình làm rõ, qua đó có giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém.
Một phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Nhiều phiên giải trình tổ chức chưa hiệu quả
Thực hiện Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều phiên giải trình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp chế đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho việc quản lý, điều hành của UBND và các ngành chức năng các cấp trong tỉnh được tốt hơn, hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, qua thực tế, việc tổ chức giải trình nổi lên nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả của phiên giải trình. Một số địa phương xác định đối tượng giải trình là UBND và mặc định Chủ tịch UBND là người giải trình, nhưng Chủ tịch không giải trình mà ủy quyền cho cấp dưới (cấp trưởng hoặc phó ngành chuyên môn giải trình); trong khi Khoản 1 điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định đối tượng giải trình là thành viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát và cá nhân có liên quan. Việc chọn đối tượng không cụ thể và ủy quyền giải trình là chưa đúng quy định pháp luật.
Có nơi hiểu hoạt động giải trình là mức cao hơn giám sát chuyên đề nên tổ chức giám sát chuyên đề của Thường trực trước, sau đó tiếp tục tổ chức phiên giải trình cùng một nội dung, cùng một đối tượng và gần như cùng thời điểm (trước, sau 30 ngày).
Trong một phiên giải trình có địa phương chọn hai, ba nội dung; vấn đề yêu cầu giải trình được nêu cụ thể thành câu hỏi, nên khi cơ quan chức năng trình bày xong, rõ, theo nội dung thì hội nghị không có gì để hỏi thêm, làm cho không khí phiên giải trình thiếu tính sinh động, đơn điệu…; các nội dung đưa ra trong phiên giải trình cùng đặt ra một lượt, mặc dù nội dung thuộc lĩnh vực khác nhau; một số nơi chọn nội dung giải trình là vấn đề tranh chấp đất đai kéo dài, khó xử lý (nguyên nhân khách quan là cơ bản), nên rất khó kết luận, nếu có kết luận cũng không dễ thực hiện…
Nhiều phiên giải trình chưa quan tâm thực hiện việc biểu quyết thông qua Kết luận của Thường trực HĐND.
Lựa chọn nội dung giải trình có ý nghĩa rất quan trọng
Từ những vấn đề bất cập nổi lên trong thực tế áp dụng quy định của luật trong tổ chức phiên giải trình nêu trên, cần thiết phải có những giải pháp chấn chỉnh, uốn nắn để phiên giải trình của Thường trực HĐND được tổ chức đúng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng chất lượng hoạt động HĐND, đóng góp vào sự phát triển chung địa phương.
Thứ nhất, cần xác định rõ hoạt động giải trình tại phiên họp thường trực HĐND cũng là hoạt động giám sát bằng hình thức giải trình (không phải là hoạt động giám sát cao hơn giám sát chuyên đề); đối tượng giải trình là thành viên UBND (không phải tập thể UBND), Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND cùng cấp và cá nhân có liên quan; người được chỉ định giải trình không được uỷ quyền giải trình thay.
Thứ hai, mỗi phiên giải trình nên chọn một nội dung thật sự cần thiết, bức xúc mà nguyên nhân dẫn đến là do năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, không phải do khách quan; khâu chuẩn bị phải thật kỹ để giải trình làm rõ và tìm giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ ba, trình tự chương trình phiên giải trình được tổ chức thực hiện theo các bước đúng quy định. Về công tác chuẩn bị, trước khi yêu cầu giải trình một vấn đề phải tổ chức khảo sát vấn đề đó, có báo cáo, hình ảnh minh họa, chứng minh vấn đề nêu có những bất cập tồn tại trong thực tế, đảm bảo tính chân thật, thuyết phục.
Tiến hành phiên giải trình: Chủ tọa nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; Thành viên thường trực HĐND, đại biểu HĐND tham dự nêu yêu cầu giải trình; Người giải trình có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu; Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên giải trình phát biểu ý kiến; Chủ tọa tóm tắt nội dung phiên giải trình, dự kiến kết luận vấn đề giải trình.
Thường trực HĐND xem xét thông qua kết luận và kết luận được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Thường trực HĐND biểu quyết tán thành. Cơ quan, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận của Thường trực HĐND, trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.
Trên đây là những vấn đề mang tính kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND. Qua bài viết mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh trong tổ chức phiên giải trình, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nói riêng, chất lượng hoạt động của HĐND nói chung.
Phan Thị Điệp
(Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)