Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với trên 4.400 thành viên, các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát huy tốt vai trò “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp trong công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số cộng đồng tới người dân.
Đặc biệt trong giai đoạn cao điểm thực hiện Đề án số 06 trên địa bàn tỉnh, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ từng người dân”. Do đó, Tổ công nghệ số cộng đồng cần được quan tâm đào tạo, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội số nói riêng và chuyển đổi số nói chung.
UBND xã Tân Đông, huyện Tân Châu phối hợp ngân hàng hỗ trợ người dân tạo tài khoản ngân hàng để từng bước chuyển sang phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mưa dầm thấm lâu”
Tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những giải pháp, sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông được triển khai trên toàn quốc nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện. Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư. Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có từ 4 đến 9 thành viên, nòng cốt là tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, ban chấp hành Đoàn Thanh niên (chi đoàn cơ sở), doanh nghiệp công nghệ số.
Tại Tây Ninh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập 631 Tổ công nghệ số cộng đồng với trên 4.400 thành viên. Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản như: cài đặt, sử dụng dịch vụ công quốc gia; đăng ký giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; cách thức thanh toán trực tuyến thủ tục hành chính; cách thức sử dụng chữ ký số công cộng để nộp hồ sơ trực tuyến; hướng dẫn sử dụng một số tính năng ứng dụng di động Tây Ninh Smart; hướng dẫn đăng ký cấp căn cước công dân, cấp mã định danh điện tử qua dịch vụ công.
Từ những “hạt nhân” này, các kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, cách thức sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày đã được lan toả trong cộng đồng dân cư. Trong đợt cao điểm thực hiện Đề án 06, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản, gồm: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tuỳ đặc thù của địa phương.
Chị Cao Hồng Thảo- Bí thư Đoàn Thanh niên phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành cho biết, với ưu thế là những người trẻ năng động, khá nhanh nhạy và am hiểu về công nghệ, thời gian qua, đoàn viên thanh niên phường đã có nhiều hoạt động tham gia chuyển đổi số, đóng vai trò nòng cốt trong các Tổ công nghệ số cộng đồng của phường và các khu phố trên địa bàn.
Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng của phường Long Thành Bắc và các khu phố đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân đi làm căn cước công dân gắn chip, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên phường Long Thành Bắc đã cho ra mắt mô hình mã QR các địa chỉ công như văn phòng khu phố, trạm y tế, các cơ quan khối vận, UBND phường.
Khi quét mã QR sẽ ra bản đồ, địa chỉ các trụ sở, số điện thoại các vị lãnh đạo cơ quan, trưởng khu phố để người dân tiện liên hệ. Bên cạnh đó, để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, Đoàn Thanh niên phường Long Thành Bắc đã phối hợp Viettel chi nhánh thị xã Hoà Thành thí điểm vận động 50 hộ kinh doanh trên tuyến đường An Dương Vương tham gia mô hình “Tuyến đường không sử dụng tiền mặt”.
Mặc dù để chuyển đổi từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt cần một quá trình lâu dài, song, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng phường Long Thành Bắc cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đều kiên trì thực hiện. Đó là chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, triển khai “đơn giản - tự nhiên - thiết thực” để góp phần đưa kiến thức, kỹ năng số đến từng người dân.
Đoàn Thanh niên phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành phối hợp Viettel chi nhánh thị xã Hoà Thành vận động người dân tham gia mô hình “Tuyến đường không sử dụng tiền mặt”.
Hoạt động kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện
Lãnh đạo UBND phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phường đã thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng của phường và 5 tổ ở các khu phố. Cơ cấu nòng cốt của tổ là trưởng khu phố và lực lượng đoàn viên thanh niên.
Thời gian qua, Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn phường 1 đã phát huy tốt hiệu quả; các tổ phối hợp lực lượng Công an phường tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, tạo tài khoản dịch vụ công cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tại bộ phận Một cửa hai cấp tiến tới không tiếp nhận trực tiếp đối với TTHC trực tuyến, giảm tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí TTHC, kể từ tháng 11.2022, vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng càng được phát huy cao hơn. Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng phường 1 phân công trực tại bộ phận Một cửa trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
“Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, các thành viên của tổ đều thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm và phường cũng không có nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động thường xuyên cho tổ này.
Tuy nhiên, trong đợt cao điểm thực hiện Đề án số 06, phường đã vận động chi phí xã hội hoá, thực hiện chấm công, chi hỗ trợ cho mỗi thành viên với mức 30.000 đồng/buổi để động viên là chính”- lãnh đạo UBND phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết thêm.
Xuất phát từ quá trình theo dõi hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, trong chương trình khảo sát của HĐND tỉnh vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh nêu kiến nghị hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ.
Trả lời làm rõ kiến nghị này tại chương trình giám sát cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023 của HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ công nghệ số cộng đồng là tổ chức hoạt động tự nguyện, do đó, không có kinh phí từ ngân sách chi cho hoạt động.
Mặc dù vậy, trong giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung các khoá học trên nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) đại trà về phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng cho cán bộ chính quyền cấp huyện, cấp xã và kỹ năng Tổ công nghệ số cho các thành viên cũng như người dân. Ngành này cũng sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; phổ biến, chia sẻ cách làm hay, sáng tạo và có khen thưởng, tôn vinh những địa phương triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.
(Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ)
Phương Thuý