Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao cho biết, ngày 4.10.2022, Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, huỷ Bản án hình sự phúc thẩm ngày 15.9.2020 của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, giữ nguyên hình phạt tại Bản án sơ thẩm ngày 28.5.2019 của TAND tỉnh Tây Ninh, phạt bị cáo Cao Sơn Nhân 6 năm tù, Dương Thị Thu Hoà 4 năm tù, Nguyễn Thiên Dân 3 năm tù và Đỗ Tú Toàn 2 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên toà phúc thẩm.
Về vụ án trên, ngày 15.9.2020, khi cấp phúc thẩm tuyên án miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, có nhiều ý kiến khác nhau về bản án. Ngày 9.9.2021, Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm về phần trách nhiệm hình sự của các bị cáo.
Sau khi bản án phúc thẩm bị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên huỷ, Viện KSND Tối cao đã có văn bản cho biết, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Cao Sơn Nhân cùng đồng phạm, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự nhận thấy vụ án trên ở cấp phúc thẩm xét xử cần rút ra bài học kinh nghiệm chung.
Chi tạm ứng không đúng đối tượng 8 tỷ đồng
Theo Viện KSND Tối cao, Cao Sơn Nhân là Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Hoà Thành (BQL Dự án Hoà Thành), Dương Thị Thu Hoà là kế toán trưởng, Nguyễn Thiên Dân là Phó BQL dự án và Đỗ Tú Toàn là thủ quỹ kiêm kỹ thuật viên xây dựng, đã làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, chi tạm ứng không đúng đối tượng thụ hưởng 8 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước tổng số tiền trên 10,943 tỷ đồng.
Cụ thể: Về số tiền cố ý chi tạm ứng sai 500 triệu đồng cho Công ty Minh Dũng, Viện KSND Tối cao xác định, ngày 22.1.2009, Công ty Minh Dũng được Cao Sơn Nhân chi tạm ứng 500 triệu đồng (nguồn tiền ngân sách của UBND huyện) để thi công đường 797 là không đúng đối tượng, đúng nội dung thanh toán trên cơ sở kết luận giám định tài chính ngày 1.10.2015.
Ngày 30.5.2009, đường 797 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến ngày 27.11.2009, BQL Dự án Hoà Thành đã thanh toán 4 lần tổng số tiền trên 4,369 tỷ đồng nhưng Nhân và đồng phạm không thu hồi tiền tạm ứng theo phụ lục hợp đồng.
Trong năm 2012, 2013, UBND Hoà Thành đã 6 lần yêu cầu Nhân và đồng phạm thu hồi số tiền tạm ứng này nhưng đến sau khi khởi tố vụ án hơn 3 tháng, Công ty Minh Dũng mới nộp trả số tiền trên.
Viện KSND Tối cao phân tích: “Như vậy, các bị cáo cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về chi tạm ứng gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước số tiền 500 triệu đồng trong thời gian từ 1.1.2010 đến ngày 3.8.2015.
Tại điểm 1, Phần I Thông tư số 108/2008/TT-BTC, ngày 18.11.2018 của Bộ Tài chính quy định: “Thời hạn chi, tạm ứng ngân sách kể cả tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm được thực hiện chậm nhất đến ngày 31.12. Ngoài ra, các bị cáo còn gây thiệt hại cho Nhà nước bằng tiền lãi của số tiền 500 triệu đồng là trên 247,4 triệu đồng.
Về việc cố ý chi tạm ứng sai số tiền 2 tỷ đồng cho Công ty Hiệp Phát, Viện KSND Tối cao cho biết, Công ty Hiệp Phát chưa phải đối tượng nhận thầu, UBND huyện Hoà Thành (nay là thị xã) không đề nghị tạm ứng tiền thi công 3 công trình, nhưng ngày 10.11.2010, Nhân và đồng phạm đã chi 2 tỷ đồng (nguồn tiền ngân sách của UBND Hoà Thành) tạm ứng cho Công ty Hiệp Phát (là công ty gia đình của Nguyễn Thiên Dân).
Đến ngày 27.12.2010, Công ty Hiệp Phát mới được chỉ định và ký 3 hợp đồng xây dựng với BQL Dự án Hoà Thành về việc thi công các hạng mục, mua sắm thiết bị 3 công trình phát sinh tại trụ sở UBND Hoà Thành (nhận 2 tỷ đồng trước khi ký hợp đồng 1 tháng 17 ngày).
Tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bị cáo lại tiếp tục chi 50% tạm ứng giá trị hợp đồng cho Công ty Hiệp Phát trên 1 tỷ đồng. Tổng cộng Nhân và đồng phạm đã chi tạm ứng cho Công ty Hiệp Phát trên 3 tỷ đồng, trong khi giá trị thi công chỉ trên 2,179 tỷ đồng.
Đến ngày 17.1.2011, BQL Dự án Hoà Thành đã thanh toán khối lượng 3 công trình cho Công ty Hiệp Phát đều đạt 90% tổng giá trị công trình nhưng các bị cáo chỉ thu hồi được trên 1 tỷ đồng.
Khi các công trình này được phê duyệt quyết toán xong toàn bộ giá trị 3 công trình vào ngày 19.9.2013, số tiền 2 tỷ đồng vẫn không được thu hồi.
Sau 7 lần yêu cầu, ngày 7.8.2014, Công ty Hiệp Phát mới nộp hoàn trả 2 tỷ đồng. Như vậy, các bị cáo đã cố ý chi sai cho Công ty Hiệp Phát dẫn đến không thu hồi được tiền tạm ứng trong thời gian 3 năm 9 tháng (từ ngày 1.1.2010 đến ngày 7.8.2014), gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 2 tỷ đồng, cùng số tiền lãi là trên 648,4 triệu đồng.
Về việc cố ý chi tạm ứng sai số tiền 5,5 tỷ đồng cho Công ty Phương Hậu, Viện KSND Tối cao cho biết, công trình trụ sở Huyện uỷ - UBND huyện Hoà Thành và Trường THCS Trưng Vương do BQL dự án Hoà Thành ký thuê nhà thầu nhận thi công và ký hợp đồng xây dựng với Công ty cổ phần Phát triển đô thị Tây Ninh (Công ty Phát triển đô thị), theo hợp đồng xây dựng ngày 27.12.2007, giá trị thi công là trên 19,2 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là ngày 31.12.2010 và hợp đồng ngày 9.6.2009 giá trị thi công công trình là trên 9,2 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào ngày 31.12.2010.
Hợp đồng còn quy định rất chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ các bên khi thực hiện hợp đồng như việc hoàn ứng là theo nội dung tạm ứng tại Điều 8 của hai hợp đồng trên có nội dung BQL Dự án Hoà Thành sẽ tạm ứng cho Công ty Phát triển đô thị; quy định về việc thu hồi tạm ứng là “vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán, việc thu hồi vốn tạm ứng được bắt đầu ngay khi thanh toán lần đầu và kết thúc khi khối lượng đã thanh toán đạt 80% giá trị hợp đồng”.
Trên cơ sở hai hợp đồng này, Công ty Phát triển đô thị đã ký 2 hợp đồng thi công với B’ là ông Lâm Tấn Dũng nhưng ông Dũng cũng là Đội trưởng Đội thi công của Công ty Phát triển đô thị.
Giữa ông Dũng và Công ty Phát triển đô thị không có bản thoả thuận nào uỷ quyền cho ông Dũng được đề nghị tạm ứng tiền thi công hai công trình nêu trên.
Do ông Dũng nợ tiền mua vật liệu của Công ty Phương Hậu và Nhân muốn thu hồi tiền nợ cho Công ty Phương Hậu (công ty gia đình của Nhân) nên lập các tờ trình xin UBND huyện tạm ứng tiền thi công 2 công trình nêu trên.
Cụ thể, ngày 9.12.2010, UBND Hoà Thành đã chi 3 tỷ tiền tạm ứng cho BQL Dự án Hoà Thành (trong đó, công trình trụ sở UBND huyện Hoà Thành là 1,5 tỷ đồng, công trình Trường THCS Trưng Vương là 1,5 tỷ đồng); ngày 3.3.2011, UBND Hoà Thành chi 2,5 tỷ đồng tạm ứng cho BQL Dự án Hoà Thành để chi tiền thi công công trình trụ sở UBND huyện Hoà Thành (trong khi trụ sở đã hoàn thành nghiệm thu và sử dụng).
Sau khi có tiền trong tài khoản của BQL Dự án Hoà Thành, Nhân và Hoà không thông báo để Công ty Phát triển đô thị xin tạm ứng mà hướng dẫn ông Lâm Tấn Dũng lập lại 2 hợp đồng mua bán vật tư khống giữa Dũng và Công ty Phương Hậu để Dũng làm đề nghị tạm ứng có tiền trả nợ cho Công ty Phương Hậu.
Nhân và Hoà đã ký uỷ nhiệm chi, tiền tạm ứng được chuyển vào tài khoản của Công ty Phương Hậu, trong khi Công ty Phương Hậu không có ký kết hợp đồng xây dựng với BQL Dự án Hoà Thành. Việc chi này là hoàn toàn sai đối tượng, sai mục đích sử dụng.
Viện KSND Tối cao cũng cho biết, việc thanh toán khối lượng thi công công trình trụ sở UBND huyện Hoà Thành thể hiện: từ ngày 31.12.2007 đến tháng 26.7.2010, Công ty Phát triển đô thị đã được BQL thanh toán 8 lần với số tiền trên 16,8 tỷ đồng đạt hơn 84% tổng giá trị khối lượng công mình trụ sở UBND huyện theo nguyên tắc và cam kết trong hợp đồng là phải thu hồi 8 tỷ tiền tạm ứng theo từng lần thanh toán giai đọan ngay từ lần thanh toán đầu tiên.
Đến ngày 26.7.2010, công trình trụ sở UBND huyện hết khối lượng thanh toán nhưng vẫn không được nghiệm thu thanh toán 4,2 tỷ đồng cho Công ty CP Phát triển đô thị Tây Ninh vì các bị cáo không hoàn ứng số tiền 4 tỷ đồng cho ngân sách. Lẽ ra các bị cáo phải hoàn ứng số tiền này theo hợp đồng nhưng các bị cáo cố tình không thu hồi gây thiệt hại cho ngân sách 4 tỷ đồng.
Ngày 31.12.2011, công trình Trường THCS Trưng Vương đã gần hoàn thành và không còn khối lượng để thanh toán nhưng các bị cáo không thu hồi số tiền tạm ứng 1,5 tỷ đồng là vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền này.
Không thu hồi được 5,5 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước còn bị thiệt hại tiền lãi suất của số tiền này là tiền lãi của 3 tỷ đồng (từ ngày 1.1.2011 đến ngày 3.8.2015) là trên 1,2 tỷ đồng; tiền lãi của 2,5 tỷ đồng (từ ngày 1.1.2012 đến ngày 3.8.2015) là trên 808 triệu đồng.
Công ty Hiệp Phát và Công ty Phương Hậu đều không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để nhận 2 khoản tiền trên (2 tỷ và 5,5 tỷ đồng) nhưng từ khi chuyển tiền đến thời điểm hiện tại, không có tài liệu nào thể hiện các bị cáo tiến hành thu hồi, đòi tiền trả về cho UBND huyện, trong khi UBND huyện có 7 văn bản liên tục (từ năm 2012 đến năm 2013) yêu cầu thu hồi đều không có kết quả.
Từ hành vi làm trái chi tiền sai đối tượng, sử dụng sai mục đích, không đúng nội dung tạm ứng dẫn đến hậu quả gần 7 năm mới khắc phục được 5,5 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau như: quyết toán trụ sở Huyện uỷ – UBND được trên 4,2 tỷ đồng, còn lại trên 1,2 tỷ đồng BQL Dự án Hoà Thành kế nhiệm phải đi xin và luân chuyển từ các nguồn khác, còn đối tượng nhận tiền sai quy định là Công ty Phương Hậu - công ty gia đình của bị cáo Nhân lại không trả.
Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên toà sơ thẩm.
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại trên 14 tỷ đồng
Viện KSND Tối cao cho biết, ngoài việc chi tạm ứng không đúng đối tượng 8 tỷ đồng, Nhân và các đồng phạm còn cố ý làm trái, chi sai số tiền trên 3,1 tỷ đồng tạm giữ, bảo hành công trình do Ban QLDA Hoà Thành quản lý.
Cụ thể, từ 18.6.2006 đến 4.2.2012, các bị cáo Nhân, Hoà, Dân, Toàn lập 33 phiếu rút tiền mặt tổng cộng trên 4 tỷ đồng tiền tạm giữ bảo hành của 75 công trình xây dựng trên địa bàn huyện, sau đó cho Lâm Tấn Dũng mượn trên 3,9 tỷ đồng không có chứng từ, thủ tục theo quy định (chưa có phiếu chi tiền mặt), trong khi ông Dũng không ký hợp đồng xây dựng với BQL Dự án Hoà Thành và không được uỷ quyền từ các đơn vị thi công để nhận tiền. Đến khi vụ án khởi tố, Lâm Tấn Dũng mới trả được trên 849 triệu đồng, BQL Dự án Hoà Thành vẫn chưa thu hồi trên 3,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền này.
Viện KSND Tối cao kết luận, hành vi nêu trên của các bị cáo là cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho ngân sách số tiền trên 14 tỷ đồng, nhưng bản án phúc thẩm lại cho rằng hành vi trên của các bị cáo có dấu hiệu tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, việc thu hồi tiền tạm ứng ảnh hưởng đến việc điều tiết khoản chi ngân sách huyện cho hoạt động chung, khoản tiền 8 tỷ đồng tạm ứng để thi công các hạng mục công trình đã được thu hồi, không có thiệt hại số tiền trên BQL Dự án Hoà Thành xác định số tiền tạm giữ bảo hành công trình đã được thanh toán cho đơn vị thi công, đơn vị thi công không có khiếu nại gì với BQL Dự án Hoà Thành về số tiền bảo hành công trình chậm thanh toán; các hạng mục công trình vẫn bảo đảm chất lượng, đã đưa vào sử dụng, hậu quả thiệt hại không xảy ra, tính chất nguy hiểm của hành vi không còn nên áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, vì các bị cáo cố ý phạm tội vì lợi ích của công ty gia đình nhưng bản án phúc thẩm cho rằng các bị cáo phạm tội với lỗi vô ý để chuyển tội danh, hậu quả vật chất đã xảy ra và tội phạm đã hoàn thành, việc khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải thiệt hại chưa xảy ra như bản án phúc thẩm nhận định để từ đó miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kết luận Toà án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” là không có căn cứ và cho rằng các bị cáo có dấu hiệu của tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Từ đó đề nghị Hội đồng xét xử chuyển từ tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị miễn hình phạt đối với tất cả các bị cáo là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật nên cần phải rút kinh nghiệm.
ÐỨC TIẾN