Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhà cách trường quá xa. Đoạn đường đi về trên 90 cây số thì xe buýt là lựa chọn tuyệt vời nhất cho cô giáo ương yếu như tôi.
Xe buýt ngày thường
Gần như ngày nào cũng đi nhưng tôi không có cảm tình với xe buýt, nói đúng hơn là thường xuyên bức xúc. Cũng từ xe buýt mà tôi không còn tin cái lẽ “khách hàng là thượng đế” nữa. Chắc tại bị “thất sủng” nhiều quá nên đâm sân si. Không ưa cũng phải đi.
Dù đi xe buýt giá vé đắt hơn xe khách nếu cũng đoạn đường đó, nhưng xe buýt được cái chạy có lộ trình, giờ giấc tương đối ổn định nên yên tâm. Xe khách đối đãi với khách thân thiện hơn nhưng được chăng hay chớ nên đành phải bấm bụng làm khách hàng thân thiết của ông xe buýt.
Mỗi ngày đi hai vòng xe, đi riết năm năm, tôi gần như thuộc hết mặt bác tài, soát vé. Nhưng ấn tượng “sâu đậm” nhất vẫn là bác Chiển và cô Kim Tho. Không phải họ có vẻ ngoài “hoa nhường nguyệt thẹn” hay tấm lòng cao cả biển hồ hay dáng vẻ hung dữ quỷ quái gì.
Họ có vẻ ngoài bình thường như bao người bình thường khác, với người khác tôi thấy họ đối đãi cũng bình thường, chẳng biết duyên cớ chi mà có vẻ với tôi họ hà khắc hơn, hay tại vì tôi có “bộ mặt khó chơi”? Túm lại, vì lý do gì không biết, hết lần này đến lần khác, tôi bị “cặp đôi” đó hét cho lên bờ xuống ruộng nên tôi đâm ra hờn xe buýt.
Xin kể đại khái những cuộc đụng độ thầm lặng của chúng tôi:
Lần đầu tiên đi xe buýt, tôi từ chỗ gửi chiếc xe máy, phải đi bộ một đoạn khá xa mới ra được đường lớn để đón xe. Đứng đó, xe không dừng, người bên đường chỉ phải đến trạm. Trạm xe buýt cách đấy chừng 2km nữa. Oải quá, nhưng cũng phải lò dò xuống đúng trạm cho ra dáng người có văn hoá.
Tới nơi thì bình thản đứng đợi. Xe cũng tới - có điều chạy luôn, báo hại tôi phải cắn răng chằng mắt kêu taxi tới trường cho kịp dạy tiết đầu. Tốn năm trăm ngàn chớ mấy. Đau như bị bò đá. Sau này hỏi thăm thì được trả lời, ngồi bến cũng phải đưa tay vẫy vẫy xe mới dừng. Trời trời, vậy thì treo cái biển “đón và trả khách” chi?
Chưa hết đâu, có một buổi trưa, dạy xong tiết 5 đã tròn bóng, từ trường phải đi bộ 2km nữa mới ra được đường lớn, vắt kiệt sức mà đi. Nắng vùng lõm như bửa đầu bửa cổ. Ra đường nhựa, nắng thốc lên, đeo khẩu trang mà hai mắt nóng hầm hập như sắp phun lửa. Không thấy tín hiệu xe đang xuống, tôi tranh thủ lủi vô gốc cây bàng sát mé đường nấp.
Tới rồi, xe buýt bóp còi từ xa, tôi te te chạy ra, hai tay vẫy lia lịa, xe chạy chậm lại, tôi mừng như lão bần nông trúng mười tờ độc đắc, nghĩ chắc xe đương trớn nên phải rướn thêm chút mới dừng được, tôi co cẳng chạy theo, chạy gần lại cửa xe buýt thì bác tài rồ ga chạy mất.
Sau này, một lần tình cờ ngồi xe khách, nghe kể bác Chiển khoe với những đồng nghiệp của mình về thành tích cho cô giáo chạy thục mạng một bữa, cái tội chờ xe mà sợ nắng. Bao nhiêu lý do đó đủ để bạn dị ứng xe buýt chưa ? Tôi thì chưa.
Kể tiếp nè. Sợ nhất lên xe lúc 12 giờ, cái giờ đang cần ngủ, tôi ỷ mình là khách đi hằng ngày nên dặn cô soát vé Kim Tho, tới bến xe chỗ bệnh viện (tôi gửi xe máy ở đó) gọi giùm chị dậy nếu chị ngủ quên. Cũng ỷ em ấy đáng tuổi học trò nên tỏ ra thân mật, ai dè khi xe chạy gần tới trạm xe kế tiếp em ấy mới “kêu giùm” dậy.
Trời ơi, trưa nắng rát mặt, nhìn đoạn đường mà ông bác tài Chiển khuyến mãi, tôi ứa nước mắt. Những hôm như thế, đằng nào cô giáo khốn khổ tôi cũng dộp mấy ngón chân. Dã man nhất là cái lần tôi mới leo lên xe thì xỉu. Hôm đó lên xe, người lả ra, mềm oặt, cơn lạnh chạy dọc sống lưng, sợ hãi, tôi ngã ào ra hàng ghế dài.
Đang cơn mệt mà nghe bác Chiển hét bung tai: ngồi dậy giùm tui cái, đàn bà mà nằm chình ình ra đấy, gớm chết! Trời đất quỷ thần ơi, đang nhũn ra mà nghe hét đinh tai, tôi phải ráng trụ cho qua cơn mệt, ngồi dậy muốn ứa nước mắt. Chẳng hiểu nổi. Nên bạn thông cảm vì sao tôi lại không thể tình thương mến thương với xe buýt là vậy.
Chuyến xe hai mươi Tết
Cỡ thời gian này, đường sá đã rất… tết. Đông đúc, náo nức. Xe buýt cũng vậy, khí thế rất tết. Khách nhiều. Người nào cũng tay xách nách mang. Lao xao, rộn rã, câu chuyện tết nhất kéo những người xa lạ lại gần.
Trưa đó, tôi lên xe, lại gặp chuyến xe của bác Chiển và cô Kim Tho. Đương nhiên rồi, dù có những “va quệt” nhỏ thì chúng tôi vẫn đi bên cạnh đời nhau theo nguyên lý “nước sông không phạm nước giếng”. Nhưng dù gì thì ấn tượng trong tôi họ vẫn là “cặp đôi khắc nghiệt”. Hôm đó, thấy tôi có vẻ rũ rượi, bác Chiển lên tiếng trước:
- Đi dạy xa, chưa kịp lo tết nhứt nên mệt mỏi hả cô giáo??
Đây là tình huống nằm ngoại dự liệu, tôi hơi bất ngờ trước sự quan tâm đặc biệt này - bụng nghĩ: có sự thay đổi tích cực, chắc nhờ gần tết. Chưa kịp trả lời đã bị một người phụ nữ phốp pháp hất mạnh sang bên để giành chiếc ghế trống mà tôi dự sẽ đặt mông xuống. Không sao, quen rồi, dân mình chưa có thói quen “ưu tiên thứ tự”.
Tôi đành ngồi vào chiếc ghế sau lưng. Ôi chao, đúng là dân thị thành, phục sức sang chảnh, nước hoa thơm nức. Thấy tôi vận áo dài, chị ta quay xuống huyên thuyên: quê bây giờ làm sao không biết chứ phố hả, con gái tôi vô trung học phải ngày ngày thuê người đón rước.
Thời buổi con cầu con khẩn mà cô. Con gái tôi ăn mặc điệu đà lắm. Tháng thay đủ ba mươi bộ đầm váy, tôi sắm xả láng luôn. Đẻ đứa con khó khổ quá, để nó cù bơ cù bất đâu có được. Chị nói tới đó, tôi nghĩ đến những cô bé học trò miền núi đói rách của tôi, đi học phải mượn đôi dép nhựa, sáng nay còn than: cô ơi, em không có đồ tết. Vậy đấy, “hạnh phúc là chiếc chăn hẹp, người này ấm, kẻ kia sẽ phải lạnh”.
Chị đang ra rả khi soát vé lại gần, tôi móc tiền thì chị ta long lên, cự: Đây xuống đó có một đoạn mà chém tới hai sáu ngàn, trong phố tui đi cỡ mười ngàn chớ mấy??? Được giải thích đó là giá tuyến công ty quy định, chị vẫn bức xúc, nói hăng xằng: Quy gì quy, mấy người tự huyễn ra, tự thu rồi chỉ Đông chỉ Tây cho rậm chuyện. Đây, tui còn mười bảy nghìn (móc ra mười bảy nghìn lẻ thiệt) đi được thì đi, không cho thì xuống. Đến lúc cô Kim Tho kêu bác Chiển dừng xe thì chị mới xuống nước: nói giỡn mà làm thiệt hả, tiền nè cái đồ móc họng…
Vừa lúc đó, xe dừng vì có khách. Một người đàn ông bước lên, ông này lụm khụm quá rồi. Bác Chiển nói: xuống đỡ giùm cụ lên Tho! Kim Tho liền leo xuống, xốc nách ông cụ đem lên ghế. Liền sau đó có một cô bé lèn bên hông chui ào lên.
Bác Chiển ngăn: Đừng, đừng cho cô bé đó lên. Tôi hơi kinh ngạc trước hiệu lệnh đó nên liền nhìn vào “vị khách bị chối từ”. Cô bé có khuôn mặt khang khác. Bác Chiển nói: gần tết rồi, đi lung tung vậy, người nhà biết đâu tìm? Cô bé hếch mặt về phía bác Chiển, cười rất hiền lành. Kim Tho phân bua, nó chui tọt lên rồi, làm sao giờ? Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo, nhưng tôi không để ý bác Chiển và Kim Tho nữa mà dồn thị lực vào cô bé có “khuôn mặt khang khác”.
Cô bé ngồi bên hàng ghế dài, đưa mắt nhìn hết người này đến người khác trên xe, vừa nhìn vừa cười. Hiểu rồi! Cô bé bị khờ. Là tôi cố tình nói giảm nói tránh chứ chính xác là cô trong bộ dạng của thiếu nữ mười bảy tuổi mang bộ mặt của người bị thiểu năng.
Bé cứ ngồi cười. Khi thấy ông khách lấy ví đưa tiền vé xe, bé nhìn chằm chằm vào những tờ tiền, người đàn ông vô tâm không thấy, cô bé cứ hếch răng cười, đợi chờ… Tôi hiểu hàm ý xin xỏ của đôi mắt tội nghiệp kia nên đưa vào tay bé một tờ mười ngàn. Đó là khuôn mặt mừng rỡ, bé cầm tờ tiền chặt khừ, mặt vẫn tiếp tục cười nhăn nhở.
Xe bon bon trên đường. Cô bé vẫn giữ nguyên nụ cười, nhìn sắp lượt những vị khách trên xe. Không phải một, hai mà đã có rất nhiều người móc hầu bao. Đặc biệt nhất là người phụ nữ dáng thị thành mới “ghình” nhau với soát vé Kim Tho lúc nãy cũng nhét vào tay cô bé tờ hai mươi ngàn.
Tôi tự dưng thấy vui vui. Cô bé hạnh phúc tới đỉnh điểm vì trên tay là rất nhiều những tờ tiền… lẻ. Khi cô bé nhét xong tiền vào túi quần thì xe buýt dừng. Bác Chiển bảo Kim Tho đưa bé xuống xe, dắt cô bé lại quán nước mía bên đường, kêu cho bé một ly. Mọi người không ai hỏi nhưng bác Chiển giải thích: Tết nhứt đường sá đông đúc, chui xuống phố lớ ngớ, biết đâu mà về.
Xe tiếp tục chạy. Tôi không còn cảm giác say sóng như mọi bận. Nắng xuân ngập vào cửa kính, tôi thấy mọi thứ quanh mình bỗng lấp lánh…
N.T.B.N