Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam với các nước
Thứ ba: 18:29 ngày 25/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới; nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắp kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm trưng bày ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh bên lề Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng 25/2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài.

Tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và đại diện các ban, bộ ngành Trung ương.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, trong 10 năm qua, việc tôn vinh Bác Hồ đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp 5 châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Các hình thức tôn vinh Bác được triển khai đa dạng, phong phú cả ở góc độ vật thể và phi vật thể, bao gồm tổ chức mit tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo, qua đó nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và trí tuệ của Hồ Chí Minh dưới cả góc độ “Anh hùng Giải phóng dân tộc” và “Nhà Văn hóa kiệt xuất”.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện triển khai linh hoạt, thực chất việc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hướng tới đối tượng là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài, mở rộng đến các đối tượng kiều bào phù hợp.

Việc học tập tấm gương Bác là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm, vừa thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, chính sách đại đoàn kết dân tộc, vừa góp phần giúp gắn kết bà con trong nỗ lực duy trì và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua đó củng cố niền tim vào sự nghiệp đổi mới theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Đến nay, 22 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh, châu Phi đã có 29 công trình tượng, tượng đài Bác, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác Hồ và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế.

Bộ Ngoại giao cũng đã xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng… tại những nơi Người đã từng sống và hoạt động. Tính đến nay, có 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài, trong đó có 8 công trình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, 3 công trình tại Pháp, Nga, Đức.

Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí của nước sở tại, điển hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào… cho thấy sự trân quý của nhân dân thế giới dành cho Bác nói riêng và Việt Nam nói chung.

Các cơ quan đại diện cũng đã đặt bia, gắn biển đồng tại Singapore, Anh, Slovakia, Ấn Độ và Pháp… nhằm lưu lại những địa danh mà Bác Hồ đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua. Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bác đã từng đi tới 56 quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc đặt tên trường học, lớp học mang tên "Hồ Chí Minh" cũng được thực hiện tại một số quốc gia như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico và Cuba. Hiện có 20 con đường, đại lộ mang tên Bác. Điều đặc biệt là mặc dù thời gian Bác tới thăm và lưu lại không lâu tại một số nước Bắc Phi nhưng đã để lại trong lòng người dân nơi đây sự ngưỡng mộ.

Công tác xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được quan tâm, trong đó có gần 40 cuốn sách của tác giả nước ngoài giới thiệu về tiểu sử Bác, bản Di chúc và sự nghiệp của Bác.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, các hoạt động tôn vinh Bác đã góp phần thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên ở nước ngoài để trong giao tiếp đối ngoại luôn thể hiện sự tự tin, văn hóa, chân thành đồng thời trong tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại luôn thể hiện tinh thần yêu dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ.

Tôn vinh Bác nhằm đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tôn vinh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh của Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa, độc đáo; đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác và trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới; nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắp kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Việc tôn vinh Bác ở nước ngoài xuất phát từ tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế gới đối với Bác Hồ và là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục