Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy "không thể trì hoãn" vì nếu chờ đến Đại hội Đảng 14, khi mọi thứ đã được quyết định và bầu chọn thì việc thay đổi sẽ trở nên khó khăn.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 13/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước là một vấn đề cấp bách, nhưng cũng không kém phần phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng nên để việc này sau đại hội nhiệm kỳ mới để tránh những va chạm, tâm tư.
"Tôi bảo để sau đại hội thì càng không làm được. Vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy đây là thời cơ vàng của chúng ta. Làm xong thì bước vào đại hội mới tính toán được", Tổng Bí thư kể.
Theo ông, trong quá trình nghiên cứu, hiệu quả điều hành của bộ máy nhà nước được đặc biệt quan tâm. Kinh nghiệm từ lịch sử và các quốc gia khác cho thấy một chính phủ không hiệu quả sẽ đánh mất tín nhiệm của người dân, và hậu quả là không thể lường trước. Do đó sự hài lòng của người dân phải được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, phản ánh hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả thực chất của bộ máy nhà nước.
Nói rõ về việc hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, Tổng Bí thư cho hay trên thế giới chỉ có Việt Nam và Lào duy trì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng nay Lào cũng đã sáp nhập vào Bộ Tài chính. Điều này cho thấy sự không phù hợp của mô hình trong bối cảnh mới.
Người đứng đầu Đảng đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rất nhiều việc trong thời gian qua, đặc biệt là trong phát triển chiến lược kinh tế. Tuy nhiên, giao cho bộ này nhiệm vụ nghiên cứu và hoạch định đường lối chính sách kinh tế là không phù hợp bởi đây là nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương. Chức năng tổng hợp mà bộ đang làm cũng thuộc về văn phòng, bởi các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đều phải được xem xét toàn diện.
"Hiện thu chi nước ngoài do Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý, còn nội địa thì Bộ Tài chính. Sao lại có chuyện vô lý như thế mà không điều chỉnh", ông nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ sáng 13/2. Ảnh: Giang Huy
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đối với chủ trương tinh gọn bộ máy của Trung ương. Việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả "cho thấy chủ trương này là đúng đắn và đáp ứng được mong mỏi từ lâu của người dân".
Ông khẳng định tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giải bài toán kinh tế, mà còn nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Do đó cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước. Mô hình tổ chức bộ máy phải phù hợp, hệ thống quy định pháp lý phải đồng bộ và cán bộ phải được bố trí để thực thi pháp luật hiệu quả.
"Về mô hình tổ chức, việc sắp xếp đã nhận được sự đồng tình của người dân. Vấn đề còn lại là cơ chế hoạt động và việc bố trí cán bộ. Cán bộ phải là người có tâm, có tầm, hết lòng vì dân, vì Đảng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cần "cởi trói" cho Chủ tịch tỉnh, thành phố
Dẫn chứng câu chuyện huyện Đông Anh (Hà Nội) thu ngân sách một năm gần 30.000 tỷ đồng, bằng nhiều tỉnh cộng lại, Tổng Bí thư băn khoăn "tại sao một quận, huyện, quy mô đất đai, dân số thấp như vậy lại làm được? Trong khi phạm vi một tỉnh, lại ì ạch, tốc độ phát triển rất chậm?".
Sự tương phản này khiến Tổng Bí thư trăn trở. Ông cho rằng các quận, huyện không thể có đất đai, tiềm năng, tài nguyên như một tỉnh. Vậy tại sao họ lại khuyến khích được sản xuất kinh doanh để có nguồn thu lớn như vậy? Phải chăng có điều gì đó "kìm hãm", "hạn chế" sự phát triển của các tỉnh?
Theo Tổng Bí thư, vướng mắc lớn nhất chính là cơ chế và hệ thống luật lệ quá phức tạp. Nhiều địa phương có tiềm lực mạnh nhưng không thể phát triển được, đầu tư công cũng gặp khó khăn, "có tiền của Nhà nước mà không tiêu được" vì "đủ các quy định mới tiêu được tiền".
Ông cũng chỉ ra bất cập trong cơ chế ngân sách, tài chính hiện hành. Việc phân bổ vốn cứng nhắc, dàn trải theo kế hoạch 5 năm khiến các địa phương khó chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình thực tế. Chủ tịch tỉnh, thành phố bị "trói buộc" bởi kế hoạch đã được phê duyệt, không thể năng động, sáng tạo để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
"Nhiều lúc tôi tự hỏi nhàn nhất có phải Chủ tịch tỉnh, thành phố không? Phân bổ ngân sách tất cả xong hết rồi, làm gì còn việc gì, mà làm khác đi là chết. Đất một mét cũng không được điều chỉnh. Vậy làm sao tiếp nhà đầu tư, vì làm gì có đất cho họ đầu tư?", Tổng Bí thư nói.
Ông nhấn mạnh rằng cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, điều hành để các địa phương phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Cần "cởi trói" cho Chủ tịch tỉnh, thành phố, trao cho họ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời hệ thống luật lệ, quy định cần rà soát, sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Có như vậy, các địa phương mới có thể phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận với các đại biểu Quốc hội sáng 13/2. Ảnh: Giang Huy
Toàn xã hội phải chuyển mình
Người đứng đầu Đảng nói điều ông đau đáu hiện nay là vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Thành quả đổi mới đất nước vừa qua "là rất vĩ đại" nhưng khi nhìn ra quốc tế, trình độ phát triển của Việt Nam còn quá chậm. Khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Như Singapore, cách đây 50-60 năm nói được sang Sài Gòn, khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy là niềm mơ ước. Giờ đây thì ngược lại, người Việt Nam mơ ước để sang Singapore khám bệnh. Các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc đều có các bước phát triển vượt bậc. Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhưng sau khi cải cách mở cửa, thu nhập bình quân của người dân hiện là 12.000 USD, còn Việt Nam chưa được 5.000 USD.
"Thủ tướng Malaysia từng nói Việt Nam nếu cứ đi lững thững thì khó có thể đuổi kịp Malaysia, nhưng nếu Việt Nam tính toán lại, tận dụng lợi thế, tiềm năng, tài nguyên, con người thì Malaysia sẽ phải dè chừng", Tổng Bí thư cho hay. Vì vậy ông nhấn mạnh "đây là thời điểm toàn xã hội phải chuyển mình". Muốn đất nước phát triển thì phải có sự tăng trưởng, mà biểu hiện quan trọng nhất của tăng trưởng là đời sống nhân dân phải thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trên tất cả các mặt, từ xã hội, y tế, giáo dục văn hóa.
Theo Tổng Bí thư, trong một xã hội phát triển, đất nước phát triển, người dân có nhu cầu về chăm sóc, học hành, tự do, làm giàu, phát triển. Vì vậy, Nhà nước phải chăm lo quyền làm chủ của người dân, hoàn thiện cơ chế hành pháp, công bằng về pháp quyền, nâng cao mức độ liêm chính của Chính phủ, Nhà nước và phòng chống tham nhũng.
Nguồn vnexpress