Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh gọn bộ máy là việc rất khó nhưng không thể chậm trễ
Thứ hai: 09:25 ngày 02/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.

Ngày 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày 20-9 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN

Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư cho rằng đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.

Theo Tổng Bí thư, nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay, điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức” - Tổng Bí thư nói và nhận định dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản… nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”” - Tổng Bí thư nói và đề nghị các cấp, các ngành từ trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương.

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị” - Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN

Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.

Theo đó, từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ, trong đó bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12 này. Mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... Từ đó, đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.

“Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...” - Tổng Bí thư nói.

Quang cảnh Hội nghị quán triệt việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/2017. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đã đủ thế và lực bước vào “kỷ nguyên mới”

Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào “kỷ nguyên mới”, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ.

Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn nữa.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

Tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1-12

Trong phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thật sự xứng đáng và phù hợp. “Không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém” - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư thông tin hiện Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn, trừ những trường hợp thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1-12-2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy các cấp quán triệt, thực hiện tốt nội dung này.

Nhận định công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.

Khắc phục những “căn bệnh” của công tác cán bộ trước đại hội

Nói về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới.

“Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để nâng mình lên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm” - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải hết sức lưu ý khắc phục những “căn bệnh” của công tác cán bộ trước đại hội, như người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người cánh hẩu với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng thủ thuật tổ chức để gạt người mà mình không thích...

“Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy Đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ” - Tổng Bí thư nói thêm.

*****

Quốc hội thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu

Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho hay QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.

Ông Trần Thanh Mẫn nhắc tới nhiệm vụ gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức - cán bộ, tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chủ tịch QH cũng đề cập tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH, coi đây là một trong những yếu tố “then chốt của then chốt” để đổi mới hoạt động của QH.

“Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ QH, QH đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp bàn phân công cụ thể. QH và các đại biểu QH sẽ thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu” - ông Trần Thanh Mẫn nói.

-----
Phải có con người thông minh và bộ máy tinh gọn

Nói về nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Nói tóm lại, chúng ta phải có thể chế đột phá. Chúng ta phải có con người thông minh và bộ máy tinh gọn” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tổ chức bộ máy phải “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Muốn làm được điều này, theo người đứng đầu Chính phủ, cần phải rà soát, nghiên cứu sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cụ thể là Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…

*****

Bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng vào sáng 1-12, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đánh giá việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc và đầu mối.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo, có chỗ bao biện, làm thay, có nơi bỏ sót. “Còn chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp” - ông Lê Minh Hưng nhận xét.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Ảnh: NHÂN DÂN

Cũng theo ông Lê Minh Hưng, phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới dẫn đến tồn tại cơ chế “xin-cho”, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động thiếu quyết liệt.

Những tồn tại, hạn chế, chậm trễ, thiếu quyết liệt trong việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức.

Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, lấn sân, cản trở, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau làm giảm tính chủ động, sáng tạo; dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, cản trở sự phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, ông Lê Minh Hưng nhận xét thủ tục hành chính còn rườm rà, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn làm lỡ cơ hội phát triển. “Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy quá lớn làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân” - ông Lê Minh Hưng cho biết.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục