Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh và Hội đồng Phổ biến, Giáo dục pháp luật tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện 4 đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật…

Vừa qua, UBND tỉnh và Hội đồng Phổ biến, Giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện 4 đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn (xã) từ năm 2005 đến năm 2010. Các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg. Tham dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Phuông, Uỷ viên TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các thành viên Hội đồng PBGDPL tỉnh, lãnh đạo UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh; thủ trưởng các sở ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị; lãnh đạo UBND các xã trong toàn tỉnh và các cá nhân tiêu biểu trong phong trào PBGDPL ở các khu dân cư, tổ tự quản.
![]() |
Trao giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật năm 2010 (ảnh minh hoạ) |
Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả 5 năm thực hiện 4 đề án cùng các báo cáo tham luận tại hội nghị cho thấy: Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành, từ tỉnh tới huyện, xã, khu dân cư, và các cơ quan thông tin đại chúng trong toàn tỉnh đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện đề án: “Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân”. Bằng nhiều bài viết, bài nói, phóng sự truyền hình, tiểu phẩm văn nghệ, tuyên truyền miệng, tờ rơi, băng ron khẩu hiệu, sách… tổng cộng đã tổ chức được hơn 95.000 cuộc, cho hơn 4,5 triệu lượt người được nghe, đọc, xem... những thông tin về pháp luật. Từ đó đẩy mạnh công tác vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bước đầu tỉnh chọn 5 xã và 40 ấp, khu phố (ấp) làm điểm thực hiện đề án; đến nay 100% số xã, ấp trong toàn tỉnh đã đưa công tác vận động đi vào nền nếp, có chiều sâu và thu được kết quả thiết thực. Tất cả các ấp trong tỉnh đều xây dựng được “Quy ước”, trong đó có quy định rõ về việc từng thành viên phải nghiêm túc chấp hành pháp luật. Qua vận động đã có 230.000 hộ gia đình trong toàn tỉnh đăng ký cam kết chấp hành tốt pháp luật. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động cũng làm rõ để người dân hiểu được quyền của mỗi công dân được tố cáo, khiếu nại, khi có sự việc bức xúc. Việc tố cáo, khiếu nại là quyền của mỗi công dân, nhưng phải thực hiện đúng trình tự, đúng quy định của pháp luật.
Để giúp người dân hiểu biết và chấp hành tốt pháp luật, đồng thời phát huy quyền tố cáo, khiếu nại, vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp được nâng cao về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền đạt, hướng dẫn và phẩm chất đạo đức, tác phong, thái độ trong giao tiếp với người dân. Hiện nay, 95/95 xã có câu lạc bộ pháp luật, cán bộ Tư pháp các xã thường xuyên là báo cáo viên tuyên truyền pháp luật đến người dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền GDPL đến người dân; toàn tỉnh hiện đã có 45 báo cáo viên cấp tỉnh, 74 báo cáo viên cấp huyện, 480 tuyên truyền viên cấp xã. Bên cạnh đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức được 217 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo, có 8.025 người dân tham gia.
Qua 5 năm thực hiện 4 đề án trong “Chương trình hành động quốc gia PBGDPL” trên phạm vi toàn tỉnh đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Góp phần vào việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội; số vụ việc người dân vi phạm pháp luật giảm đáng kể, nhất là số vụ việc tố cáo sai, khiếu nại đông người, vượt cấp trái quy định ít xảy ra.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL. Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh tặng giấy khen cho 9 tập thể và 16 cá nhân.
KHẮC LUÂN