BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010: Cần tăng cường công tác thanh - kiểm tra

Cập nhật ngày: 31/12/2010 - 11:10

Tiết kiệm đáng kể

Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chủ trì hội nghị.

Ngày 29.12, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng tỉnh tổ chức tổng kết năm 2010. Báo cáo của BCĐ cho biết, thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong năm 2010, Sở KH&ĐT đã tổ chức thẩm định 82 dự án và báo cáo kinh tế kỹ thuật, điều chỉnh 37 dự án và báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định 90 kế hoạch đấu thầu, tiết kiệm được gần 52,8 tỷ đồng. Sở GT-VT thực hiện đấu thầu công khai các công trình xây dựng cơ bản, tiết kiệm được trên 3,8 tỷ đồng. Sở GD&ĐT tiết kiệm được trên 1,1 tỷ đồng trong đấu thầu mua sắm tài sản công. Về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã thực hiện tốt việc tiết kiệm trong chi tiêu công quỹ, tiết kiệm điện, nước, điện thoại, xăng dầu… Trong năm, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được trên 10,6 tỷ đồng; trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tiết kiệm được gần 12 tỷ đồng; trong quản lý sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước tiết kiệm được trên 6,5 tỷ đồng.

Trong năm, các đơn vị đã tổ chức 114 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh tế- xã hội. Đến nay đã kết thúc 108 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện số tiền vi phạm chế độ chính sách trên 9,2 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra tỉnh phát hiện gần 6,4 tỷ; thanh tra các huyện, thị xã phát hiện trên 2,6 tỷ và gần 6 ha đất; các sở ngành phát hiện trên 242 triệu đồng. Các đoàn thanh tra đã ban hành quyết định thu hồi và kiến nghị thu hồi trên 5,9 tỷ đồng; buộc xuất toán, loại khỏi quyết toán trên 1,1 tỷ đồng; xác định chi không đúng quy định trên 1,2 tỷ đồng… Thanh tra cũng đã đề nghị kiểm điểm 3 người và 15 tập thể, đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra 1 vụ (3 người). Năm 2010, ngành Thanh tra cũng tổ chức 129 cuộc kiểm tra chuyên ngành, ban hành 75 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Đến nay đã thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát của Uỷ ban kiểm tra Đảng các cấp trong năm qua đã phát hiện 3 vụ vi phạm về tham nhũng, lãng phí liên quan đến 3 đảng viên (cả 3 đều đã bị kỷ luật). Cơ quan điều tra đã thụ lý 6 vụ án tham nhũng với 16 bị can, trong đó có 3 vụ án cũ với 9 bị can. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã triển khai giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại 8 cơ quan, đơn vị. Qua giám sát, các đoàn đã kịp thời góp ý giúp các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hoạt động giám sát của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng được duy trì thường xuyên, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND các cấp, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã và thông qua đơn tố giác của quần chúng.

Năm 2010, BCĐ nhận được 26 đơn tố cáo, trong đó có 7 đơn nặc danh. Hầu hết đơn tố cáo có nội dung phản ánh tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách, để nguồn thu ngoài sổ sách của chính quyền cấp xã. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, BCĐ nhận được một số đơn thư phản ánh tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục ở một số địa phương như việc thu tiền học sinh trái tuyến, không minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu… Tất cả các đơn thư đều được BCĐ xem xét, nghiên cứu, xử lý.

Còn những tồn tại đáng lưu ý

BCĐ nhận định: Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua có những chuyển biến tích cực trên cả 2 mặt phòng và chống, đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đáng lưu ý. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đúng mức ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở một số nơi, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức. Một số nơi còn lúng túng trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Hoạt động thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi chưa mạnh, thiếu thường xuyên và chưa đồng bộ; phương pháp thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong phòng, chống tham nhũng chưa được chặt chẽ. Việc phát hiện, xử lý vi phạm ở một số nơi còn chậm, có vụ việc chưa được xử lý nghiêm đã làm giảm tác dụng răn đe, giáo dục đối với người vi phạm. Hầu hết các vụ việc tham nhũng chỉ được phát hiện khi có hoạt động thanh, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng và qua giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh của nhân dân. Điều này cho thấy, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, chưa chủ động phát hiện, tố giác tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính còn một số khâu, nhất là khâu cải cách thủ tục chưa thật sự hợp lý, chậm được khắc phục, bổ sung, sửa đổi để “bịt kín những kẽ hở” bị lợi dụng để nhũng nhiễu…

Xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực cần được tăng cường thanh - kiểm tra (ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết qua giám sát, Ban nhận thấy công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ các đơn vị chưa được triển khai thường xuyên. Hiệu lực, hiệu quả thanh- kiểm tra còn hạn chế, thể hiện qua việc “ít phát hiện sai phạm để tự chấn chỉnh, xử lý”. Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra trong năm 2010 với số tiền khá lớn nhưng xử lý thu hồi thấp và chậm.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường công tác thanh- kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất; quản lý thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công; cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; công tác cán bộ… Đại diện UBMTTQVN tỉnh cho rằng, để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tham nhũng ở chính quyền cơ sở thì vai trò của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng cần được chú trọng, tạo điều kiện cho 2 ban này hoạt động đúng quy định. Hai tổ chức tự nguyện này của nhân dân ở cơ sở phải thực sự là nòng cốt trong việc tham gia giám sát chính quyền địa phương; giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú để kịp thời phản ánh các biểu hiện có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Một đại biểu khác cho rằng, cần có cơ chế hợp lý hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng bởi hiện nay, cơ quan chức năng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều tra, khởi tố bị can, khởi tố vụ án tham nhũng. Đối với không ít trường hợp, một số cơ quan chức năng chưa “mạnh dạn” trong việc xác định “có dấu hiệu tham nhũng” hay không.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng những kết quả đạt được trong năm 2010 là đáng khích lệ, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Do đó, trong năm 2011, các cơ quan đơn vị, các cấp, các ngành cần phải tích cực hơn nữa nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tham nhũng.

BẢO TÂM