BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời cử tri Tây Ninh về chế độ BHXH và một số sửa đổi, bổ sung trong Pháp lệnh ưu đãi người có công

Cập nhật ngày: 15/11/2012 - 05:43

(BTNO)- Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có công văn trả lời đối với kiến nghị của cử tri Tây Ninh về các vấn đề liên quan đến Luật bảo hiểm xã hội và Pháp lệnh ưu đãi người có công.

Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị thay đổi quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với những người không đủ điều kiện hưởng lương hưu tại điểm c, khoản 1, Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội từ một năm xuống còn 3 tháng.

Trả lời cử tri về đề nghị trên, Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, bản chất và mục tiêu mà bảo hiểm xã hội hướng tới là nhằm bảo đảm cuộc sống của người lao động sau khi nghỉ hưu, chứ không thuần tuý chỉ là cứ có đóng thì có hưởng, vì vậy các quy định của Luật rất hạn chế việc cho hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 55 nhằm tạo điều kiện để người lao động sau khi nghỉ việc vẫn còn cơ hội để tham gia bảo hiểm xã hội (nếu không thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện) vì vậy nếu quy định thời gian quá ngắn thì cơ hội này sẽ khó khăn hon và sau này khi về già, lúc hết tuổi lao động họ sẽ gặp khó khăn khi không có nguồn lương hưu bảo đảm.

Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định hiện hành chi có hai chế độ hưu trí và tử tuất nên rất hạn chế và kém hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia, đề nghị bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn như bảo hiểm y tế để khuyến khích; Đề nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bằng cách bỏ quy định chỉ áp dụng đối với “người sử dụng lao động sử dụng từ 10 lao động trở lên”; Việc quy định để lại 2% mức đóng quỹ ốm đau, thai sản tại doanh nghiệp để bảo đảm chủ động chi trả chế độ cho người lao động không còn phù hợp, không thuận lợi, đề nghị sửa đổi theo hướng quản lý tập trung và giải quyết tại cơ quan bảo hiểm xã hội như trước khi có luật. Uỷ Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tất cả ý kiến kiến nghị của cử tri rất xác đáng, đã được các cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách phản ánh, và hiện Luật bảo hiểm xã hội đang được Chính phủ xem xét và trình Quốc hội sửa đổi (dự kiến năm 2013).

Bí thư Tỉnh uỷ Võ Văn Phuông thăm và tặng quà cho ông Trần Hương – thương binh 21%

Ngoài ra, cử tri Tây Ninh cũng kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công theo hướng: Đề nghị tất cả đối tượng được quy định tại Điều 2 - Chương I được hưởng trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ BHYT và được miễn 100% chi phí khám và điều trị bệnh (nếu đối tượng không phải là cán bộ đang hưởng lương, cán bộ hưu trí mất sức); được điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng bệnh tật của từng người và khả năng của Nhà nước.

Bổ sung thêm khoản 4 - Điều 32: Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng khen về thành tích trong kháng chiến được trợ cấp một lần. Đề nghị Chính phủ ban hành các Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đồng bộ với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (điều chỉnh, bổ sung) để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai và thực hiện được dễ dàng.

Cử tri đề nghị sửa đổi toàn diện, mở rộng đối tượng được thụ hưởng, nhưng đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với thực tiễn; việc sửa đổi Pháp lệnh nên gắn với cải cách thủ tục hành chính, cần giảm bớt hướng dẫn tại các văn bản dưới Pháp lệnh (như làm chính sách thương bệnh binh trong kháng chiến cần phải có giấy ra viện và chứng nhận bị thương trong thời kỳ đó là không phù hợp, gây khó khăn cho các đối tượng khi kê khai…).

Về những vấn đề trên, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tại phiên họp tháng 7.2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng với các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tất cả người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày hiện còn sống được chuyển từ chế độ trợ cấp 1 lần sang chế độ trợ cấp hàng tháng.

- Thực hiện chế độ điều dưỡng 2 năm một lần đối với những người hiện nay thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng 5 năm một lần; đồng thời bổ sung chế độ điều dưỡng hàng năm đối với trường hợp cha đẻ có một con duy nhất là liệt sĩ, cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên.

- Về chế độ trợ cấp tuất hàng tháng:

+ Quy định có 3 mức trợ cấp tiền tuất hàng tháng khác nhau đối với thân nhân của 1 liệt sĩ, thân nhân của 2 liệt sĩ và thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên. Đồng thời, đối với đối tượng thuộc diện ưu đãi trên, nếu là người không nơi nương tựa có điều kiện cuộc sống khó khăn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng. Trợ cấp tuất nuôi dưỡng chỉ áp dụng một mức, không phân biệt thân nhân của một hay nhiều liệt sĩ.

+ Bổ sung một số nguyên tắc trong thực hiện chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng để bảo đảm tính công bằng trong thụ hưởng chế độ, cụ thể là: Người có công với cách mạng thuộc hai nhóm đối tượng người có công trở lên khi chết thì thân nhân chỉ được hưởng trợ cấp tiền tuất của một đối tượng; thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất của 02 đối tượng người có công với cách mạng trở lên mà thuộc diện được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng thì được hưởng 01 suất trợ cấp tuất nuôi dưỡng.

- Mở rộng việc cấp bảo hiểm y tế cho một số nhóm thân nhân người có công, gồm:

+ Con của liệt sĩ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

+ Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng.

- Bổ sung quy định chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo theo hướng hỗ trợ các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi này trong quá trình theo học tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cho đến bậc đại học.

- Bổ sung chế độ thờ cúng liệt sĩ hằng năm đối với người được giao thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng.

- Bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình.

- Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định cụ thể vấn đề cung cấp thông tin, xác định danh tính liệt sĩ và di chuyển phần mộ liệt sĩ.

- Sửa đổi, bổ sung quy định chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: thay thế quy định trợ cấp theo 2 mức (suy giảm khả năng lao động dưới 81% và từ 81% trở lên) bằng quy định trợ cấp theo 4 mức (suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40%; từ 41% đến 60%; từ 61% đến 80%; từ 81% trở lên); sửa đổi quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất đôc hoá học; bổ sung quy định về chế độ trợ cấp hàng tháng đối với bệnh binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.

- Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; bổ sung công nhận bệnh bỉnh đối với trường hợp quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ về gia đình nay bị tâm thần do bệnh cũ tái phát; bổ sung về tái khám vết thương cho thương binh.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 2012. Tuy nhiên, đây là thời điểm gần cuối năm, ngân sách nhà nước đã phân bổ xong nên để bảo đảm tính khả thi của các chế độ, chính sách mới, thời điểm có hiệu lực thi hành đối với một số chế độ, chính sách mới được bổ sung là từ 1.1.2013, trừ chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được thực hiện từ ngày 01 tháng 9 năm 2012.

Pháp lệnh cũng điều khoản chuyển tiếp để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được công nhận trước ngày 1 tháng 9 năm 2012.

Đối với đề nghị của cử tri về việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng các đối tượng được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến do thành tích cá nhân thì cũng được hưởng chế độ huân huy chương của gia đình; người được tặng bằng khen trong kháng chiến được trợ cấp một lân; bổ sung các đối tượng đã hiến tặng tài sản cho cách mạng trong các cuộc khảng chiến được hưởng Chính sách người có công; bổ sung đối tượng thương binh có thương tật dưới 21% được hưởng bảo hiểm y tế). Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội, vấn đề trên đã được các cơ quan chức năng xem xét trong quá trình xây dựng, xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và thống nhất như sau:

- Các đối tượng được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến do thành tích cá nhân thì không được hưởng chế độ huân huy chương kháng chiến của gia đình để tránh thực hiện trùng các chế độ ưu đãi.

- Chính phủ sẽ nghiên cứu, ban hành chế độ đối với người được tặng bằng khen trong kháng chiến.

- Các đối tượng đã hiến tặng tài sản cho cách mạng trong các cuộc kháng chiến tùy theo mức độ đóng góp mà được khen thưởng theo quy định về khen thưởng thành tích kháng chiến và căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn quy định trong Pháp lệnh mà được công nhận người có công giúp đỡ cách mạng.

- Đối tượng thương binh có thương tật dưới 21% nếu không thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Pháp lệnh cựu chiến binh và Luật bảo hiểm y tế.

Kim Chi