BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời của Thanh tra huyện Châu Thành: Sự thật về đất Láng Le

Cập nhật ngày: 05/03/2010 - 10:37

Trước đây, nhiều hộ dân thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành có đơn thắc mắc về cách giải quyết tranh chấp đất đai thuộc khu vực Láng Le (ấp Thành Nam, xã Thành Long, Châu Thành) của UBND huyện. Vừa qua, Báo Tây Ninh đã nhận được công văn của Thanh tra huyện Châu Thành về kết quả giải quyết, thông tin để bạn đọc được rõ. Nội dung như sau:

Trong những năm 1999-2000, ở địa bàn xã Thành Long, Châu Thành, diện tích đất hoang hoá còn rất nhiều. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã quy hoạch và giao cho Công ty Mía đường Biên Hoà và Công ty Hải Vi với diện tích là 1.224 ha để trồng mía. Số diện tích còn lại, UBND huyện Châu Thành đã giao cho UBND xã Thành Long tiến hành rà soát kiểm tra tất cả hộ nghèo trên địa bàn xã (không có đất sản xuất) để quy hoạch khai hoang và cấp đất cho các đối tượng này. Và kết quả đã khai hoang trên 100 ha, đã cấp cho 82 hộ nghèo mỗi hộ được 1 ha. Số đất còn lại 19 ha, UBND xã giao cho Công ty Đường Biên Hoà thuê. Đồng thời UBND xã cũng tiến hành khảo sát khu đất Láng Le còn lại (dạng hoang hoá) và quy hoạch khu này thành đất công của xã Thành Long. Mặt khác, xã cũng đã dự kiến sẽ giao quỹ đất này khi hợp tác xã nông nghiệp thành lập đi vào hoạt động sản xuất.

Về nguồn gốc đất Láng Le, kể từ năm 1999 về trước, khu đất có diện tích 57,4 ha là rừng tự nhiên (chỉ trừ 3 thửa đất có diện tích chừng 9 ha là đất sản xuất 1 vụ lúa-theo hiện trạng bản đồ năm 1999). Còn lại là đất chồi hoang (48 ha). Từ năm 2000, UBND xã đã có thông báo quy hoạch khu đất Láng Le là đất công của xã, đồng thời nghiêm cấm dân vào khai thác lấn chiếm. Thế nhưng trên thực tế đã có nhiều hộ dân vi phạm kể từ năm 2002. Do vậy xã đã lập tổ công tác đến hiện trạng đất để lập biên bản vi phạm 3 trường hợp và hồ sơ này xã vẫn còn lưu giữ cho đến nay. Cho đến giai đoạn năm 2002-2006, toàn khu diện tích gần 60 ha đất Láng Le nêu trên, có đến 26 hộ dân đến khai hoang, lấn chiếm. Mặc dù UBND xã thời đó đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng không có hiệu quả… Trước tình hình này, đến cuối năm 2008 UBND huyện Châu Thành đã ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất 57,4 ha mà các hộ trên đang canh tác. Đồng thời huyện cũng đã chỉ đạo UBND xã rà soát tất cả hộ nghèo địa phương đời sống khó khăn, đang canh tác trong khu đất Láng Le để có kế hoạch cấp đất cho các hộ này (từ nguồn quỹ đất công của xã ở khu Tàn Dù). Đối với những hộ còn lại, đời sống kinh tế khá hơn cũng đang sản xuất khu Láng Le, nếu có nhu cầu xã sẽ ưu tiên giải quyết cho thuê đất của xã để sản xuất. Tuy nhiên sau khi xã triển khai chủ trương này thì không ai đồng ý.

Đến tháng 2.2009, có 23 hộ khiếu nại và UBND huyện Châu Thành đã bác đơn của những hộ này. Và sau đó họ đã tiếp tục khiếu nại về UBND tỉnh. UBND tỉnh đã giao thẩm quyền giải quyết “đất Láng Le” cho UBND huyện… Kết quả như sau: trong 26 hộ dân lấn chiếm 57,4 ha khu Láng Le, hiện nay có 45 ha trồng mía; 3,1 ha trồng mì; 2,4 ha cao su có xen mì; 2 ha trồng bạch đàn; 1 ha điều xen mì và số còn lại là trồng lúa. Và trong 26 hộ nêu trên, có 4 hộ nghèo địa phương (các hộ này mới phát sinh trong năm 2007 do mới lập gia đình riêng và tách hộ khi chưa có đất sản xuất). Có 4 hộ đời sống khó khăn, còn lại 18 hộ khác đời sống khá hơn…

UBND huyện Châu Thành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích bị bao chiếm nêu trên của 26 hộ. Việc thực hiện phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, ổn định đời sống nhân dân. Cụ thể là phải có quy hoạch sử dụng đất; có dự án giải toả đền bù do cấp thẩm quyền phê duyệt; giải pháp thu hồi tuỳ theo từng trường hợp (có giấy hay chưa có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất) chi trả tiền đền bù, giải toả hoặc hỗ trợ đúng theo luật định, nhưng ưu tiên cấp đất cho người nghèo. Riêng trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Chào, UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra xác minh thêm để giải quyết cho phù hợp.

Trên đây là trả lời của Thanh tra huyện Châu Thành chung quanh giải quyết vụ bao chiếm đất khu vực Láng Le. 

T.T