Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phòng Giáo dục – Đào tạo Trảng Bàng:

Trả lời giáo viên về chế độ vùng sâu

Cập nhật ngày: 23/03/2016 - 04:14

Vừa qua, một số giáo viên đang công tác tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng có đơn phản ánh về việc thực hiện chế độ đối với giáo viên đang dạy học tại các trường thuộc xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thường gọi là vùng 135).

Trong đơn, giáo viên cho biết, Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng đã có chỉ đạo cho các trường thực hiện chế độ đối với giáo viên vùng 135. Theo đó, việc thực hiện Nghị định 19/2013 NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20.6.2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chỉ xét cho giáo viên và cán bộ quản lý luân chuyển từ vùng không khó khăn đến công tác tại vùng khó khăn. Đối với những giáo viên sau khi tốt nghiệp trường sư phạm được điều thẳng về công tác ở vùng khó khăn thì không được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định 19.

Đầu tháng 3 vừa qua, trong phiên họp thường kỳ, Phòng GD-ĐT Trảng Bàng tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện chế độ đối với giáo viên theo tinh thần của Nghị định 19. Tại phiên họp này, Phòng GD-ĐT chỉ đạo: Chỉ có giáo viên và cán bộ quản lý có nơi cư trú không phải ở xã Phước Chỉ mới được hưởng chế độ chính sách theo quy định trong Nghị định 19. Riêng những giáo viên và cán bộ quản lý đang cư trú tại xã Phước Chỉ thì không được hưởng chế độ chính sách này mà chỉ được hưởng phụ cấp lâu năm theo quy định của Nghị định 116 năm 2010.

Tương tự như vậy, những giáo viên và cán bộ quản lý nào có nơi cư trú không phải ở xã Bình Thạnh (một trong hai xã vùng sâu của huyện Trảng Bàng) mới được hưởng chế độ thu hút theo quy định của Nghị định 19. Giáo viên và cán bộ quản lý có nơi cư trú ở xã Bình Thạnh không thuộc diện được hưởng chính sách này, mà chỉ được hưởng phụ cấp lâu năm theo tinh thần của Nghị định 116 năm 2010.

Trong đơn, giáo viên cũng cho biết, đồng nghiệp của họ đang dạy học và cư trú tại một số xã vùng 135 của huyện Tân Biên vẫn được hưởng chế độ theo tinh thần của Nghị định 19. Ngoài ra, giáo viên tại xã Phước Chỉ cũng viện dẫn Văn bản số 3416/UBND-VX ngày 16.11.2105 của UBND tỉnh Tây Ninh hướng dẫn thực hiện chế độ đối với giáo viên vùng sâu.

Cuối đơn, giáo viên nêu vấn đề: Phòng GD-ĐT Trảng Bàng thực hiện chế độ như vừa nêu ở trên thì có đúng với tinh thần của Nghị định 19 cũng như các văn bản khác có liên quan đến chế độ của giáo viên đang dạy học ở vùng sâu hay không?

Báo Tây Ninh đã chuyển ý kiến thắc mắc của giáo viên đến Phòng GD-ĐT Trảng Bàng. Lãnh đạo Phòng đã trả lời như sau (nguyên văn):

“Khi giải quyết chế độ chính sách phụ cấp thu hút theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP, Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bàng thực hiện đúng theo Nghị định 19/2013/ NĐ-CP và Công văn 3416/UBND-VX của UBND tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, công văn 3416/UBND-VX của UBND tỉnh Tây Ninh (nhóm đối tượng 2) có nêu: “Nếu hết thời gian luân chuyển theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền điều động về vùng không khó khăn nhưng giáo viên có nguyện vọng ở lại công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì thôi hưởng phụ cấp thu hút và chuyển sang hưởng phụ cấp lâu năm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2010/ NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ”.

Như vậy, đối với giáo viên muốn công tác lâu dài tại địa phương (gần nhà) thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì sau khi hưởng phụ cấp thu hút 5 năm theo quy định sẽ chuyển sang phụ cấp thu hút lâu năm theo Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh”.

Theo nội dung Văn bản 3416/UBND-VX của UBND tỉnh Tây Ninh, có 2 nhóm đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 19.

Nhóm đối tượng thứ nhất gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc theo chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và thôi hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ.

Nhóm đối tượng thứ hai được xác định theo mốc thời gian. Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng thời gian luân chuyển chưa hết, nay do yêu cầu công tác được cấp thẩm quyền điều động đến công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác thì tiếp tục hưởng phụ cấp thu hút 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của thời gian còn lại theo quyết định luân chuyển.

Nếu hết thời gian luân chuyển thì tiếp tục chia làm hai trường hợp. Cụ thể như sau: Giáo viên, cán bộ quản lý đã hết thời gian luân chuyển theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc theo chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và thôi hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Nếu hết thời gian luân chuyển theo quy định, cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền điều động trở về vùng không khó khăn (vùng nội địa) nhưng giáo viên có nguyện vọng ở lại công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thôi không hưởng phụ cấp thu hút và chuyển sang hưởng phụ cấp lâu năm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ.

Căn cứ vào nội dung văn bản do UBND tỉnh ban hành thì tất cả những giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thường gọi là vùng 135) đều tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Chỉ trừ những người được cơ quan có thẩm quyền bố trí, sắp xếp về công tác ở vùng nội địa nhưng không muốn về, có nguyện vọng tiếp tục công tác tại vùng 135 thì chỉ được phụ cấp lâu năm, không hưởng phụ cấp thu hút.

VIỆT ĐÔNG