BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời ông Nguyễn Văn Rưng (Gò Dầu): Các nhân chứng lớn tuổi đều xác định nguồn gốc đất Bàu Mỹ là của gia đình ông Rưng

Cập nhật ngày: 20/06/2009 - 09:12

Khu đất Bàu Mỹ được gia đình ông Rưng đóng cọc rào lại

Ông Nguyễn Văn Rưng ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu gửi đơn đến Báo Tây Ninh khiếu nại sự việc như sau: Ông Rưng có thừa hưởng của cha là ông Nguyễn Văn Chà một phần đất ở địa chỉ trên và đã được cấp giấy CNQSDĐ. Liền kề phần đất này là đất hầm, do trước đây chính quyền chế độ cũ móc đất làm đường nên rất sâu, không sử dụng trồng tỉa gì được (dân địa phương thường gọi là đất Bàu Mỹ). Sau giải phóng, chỉ có vài hộ dân và một số cán bộ địa phương đến nuôi cá, không hiệu quả nên ngưng và bỏ hoang đến nay. Ông Rưng cho biết nguồn gốc đất Bàu Mỹ, trước đây cũng là của cha ông, nhưng do Mỹ móc đất làm đường, tạo thành hố sâu không sử dụng được. Trong quá trình sử dụng phần đất mà cha ông cho, thấy phần đất hầm Mỹ bỏ hoang, nên năm 1990, ông Rưng tôn tạo, đổ đất san lấp để sử dụng. Năm 2006, một số cán bộ là Hội Cựu chiến binh xã đến đổ đất khu vực Bàu Mỹ, ông Rưng ngăn cản. Năm 2007, ông Rưng tiếp tục đổ đất thì bị UBND xã Phước Thạnh lập biên bản xử lý, cho rằng đây là đất công do Nhà nước quản lý. Ông Rưng khiếu nại, nhưng UBND huyện Gò Dầu bác đơn, cho rằng phần đất Bàu Mỹ, diện tích 13.290m2 có nguồn gốc trước đây là của ông Nguyễn Văn Hẹn, Nguyễn Văn Chẳng, Nguyễn Văn Nữa và Nguyễn Văn Tre. Nhưng những năm 1966-1967, quân đội Mỹ móc đất ở khu đất này làm đường, đất không còn sản xuất được nên bỏ hoang. Vì vậy, khu đất trên thuộc quyền quản lý của UBND xã.

Về vấn đề khiếu nại của ông Rưng, chúng tôi được biết, sau khi khiếu nại lên UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh đã xuống thực tế xác minh, trong đó có buổi đối thoại với ông Rưng và những người biết rõ nguồn gốc đất. Tại buổi đối thoại này, ông Rưng không đồng tình với UBND xã Phước Thạnh cho rằng ông chiếm đất công. Bởi vì khu đất này là hầm, ông Rưng đã sử dụng, bồi bổ, đổ đất cất nhà kho từ nhiều năm nay. UBND huyện xác định đất của 4 người, trong đó có ông Nửa, mà không có cha ông là ông Chà, trong khi ông Nửa là anh ruột của ông Chà, đều thừa hưởng đất từ ông nội ông Rưng. Ông Rưng cũng cho rằng, ông đăng ký khu đất này thì địa chính xã nói: “chờ nhiều người đăng ký luôn lượt” rồi sau đó im luôn. Các nhân chứng như ông Phạm Văn Cuộc, nguyên là kế toán tập đoàn sản xuất lúc đó xác nhận, trước đây, “ông Nữa và ông Chà có đến nhờ tập đoàn đo đất để chia nhau trên ruộng. Dưới bàu, gia đình có cấy vòng vòng những phần triền”. Các ông Vương Văn Nghi (sinh năm 1924), ông Phan Thành Tuấn (sinh năm 1930) đều cho biết khu đất trên là của ông nội ông Rưng, thường gọi là ông Chín Hoành. Riêng ông Chẳng thì cho biết khu đất trên ngoài ông Nửa, ông Chà, còn có phần của cả ông Hẹn, ông Tre.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dương Văn Kẻ, Tổ trưởng tổ tự quản tổ 5, ấp Phước Hoà và ông Đỗ Xuân Chiến, Bí thư chi bộ ấp cho biết, trước đây ông Rưng có đổ đất cặp bờ đê tạo thành con đường rộng để đi vào phía trong. Đến năm 2007, ông Rưng mới đổ nhiều xe đất, rồi cất nhà kho trên chỗ đổ đất này. Còn cán bộ địa chính xã Nguyễn Thị Ngoan thì cho rằng khu đất trên được kê khai vào sổ địa chính năm 1994 là đất công của UBND xã.

Như vậy, về nguồn gốc khu đất trên có một phần là đất của cha ông Rưng đã rõ. Tuy nhiên do bị quân đội Mỹ móc đất làm đường, khu đất không sử dụng được bị bỏ hoang. Nếu xác định, trong quá trình sử dụng phần đất đã được cấp giấy CNQSDĐ, ông Rưng “mở rộng” ra khu đất bị bỏ hoang, bằng cách đổ đất, tôn tạo, trồng hoa màu, theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Luật Đất đai thì phải được xem xét. Tuy nhiên, nếu ông Rưng chưa đăng ký và chưa được cấp giấy CNQSDĐ, cũng như chưa được phép của UBND xã mà tự ý đổ đất san lấp mặt bằng, cần phải xử phạt theo quy định pháp luật.

Vì vậy, theo chúng tôi, để giải quyết khiếu nại của ông Rưng, ngành chức năng tỉnh cần phải xem xét toàn diện, đầy đủ các chứng cứ nêu trên để có quyết định thấu tình, đạt lý.

ĐỨC TIẾN